TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ CÔNG AN - BỘ QUỐC PHÒNG- BỘ TƯ PHÁP - BỘ Y TẾ Số:……./2020/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP-BYT (Dự thảo 1) | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Hà Nội, ngày…..tháng….năm 2020 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế liên tịch hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, cụ thể hướng dẫn về đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị xem xét tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng; Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án theo Luật Thi hành án hình sự; phạm nhân đang chấp hành án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Điều 3. Nguyên tắc tạm đình chỉ, giảm chấp hành án phạt tù
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Bảo đảm tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa, khách quan, công bằng.
3. Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện tốt nhiệm vụ.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TẠM ĐÌNH CHỈ CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 4. Đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự khi đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải làm văn bản đề nghị. Văn bản đề nghị tạm đình chỉ phải có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm văn bản;
b) Tên Tòa án nhận văn bản;
c) Tên của người chấp hành án phạt tù;
d) Số bản án, ngày tuyên án, quyết định hình phạt trong bản án; số, quyết định thi hành án phạt tù;
đ) Lý do đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
e) Phần cuối văn bản phải do đại diện cơ quan, tổ chức ký và đóng dấu;
i) Danh mục tài liệu kèm theo đơn, văn bản đề nghị.
2. Gửi văn bản và hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
3. Ngày nhận được văn bản đề nghị là ngày cơ quan có thẩm quyền nộp tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền văn bản đề nghị bằng phương thức gửi trực tuyến (nếu có) thì ngày nhận được văn bản là ngày gửi văn bản.
Điều 5. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân gồm có:
1. Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
2. Bản sao Quyết định thi hành án phạt tù.
3. Văn bản đề nghị của Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo Phiếu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Phiếu đề nghị làm theo mẫu do Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng ban hành).
4. Văn bản đồng ý của cơ quan thẩm định có thẩm quyền.
5. Văn bản đề nghị của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng và văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với những trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng, nữ phạm nhân có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nếu bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia hoặc bị kết án tù chung thân mà chưa được giảm xuống tù có thời hạn.
6. Đơn của gia đình phạm nhân đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (nếu gia đình phạm nhân không còn ai đủ khả năng làm đơn đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân).
7. Đối với phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi phải có kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc phạm nhân có thai hoặc bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con phạm nhân, xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành án về việc họ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
8. Đối với phạm nhân bị bệnh nặng phải có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của Bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên về tình trạng sức khỏe của người đó. Riêng phạm nhân bị nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS phải có kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của Bộ Y tế và bản sao Bệnh án hoặc kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền khẳng định đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Cơ quan y tế và bệnh viện các cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến tình trạng sức khỏe của phạm nhân khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.
9. Đối với phạm nhân được đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù vì lý do là lao động duy nhất trong gia đình phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người bị kết án thường trú về việc người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt.
10. Đối với trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do nhu cầu công vụ phải có văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương hoặc đơn vị quân đội có liên quan đến việc thực hiện công vụ đó.
11. Văn bản đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Viện kiểm sát (trong trường hợp do Viện kiểm sát đề nghị).
12. Các tài liệu khác liên quan (nếu có).
Điều 6. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Các trại giam thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ làm Ủy viên thường trực, Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên thư ký và các Ủy viên gồm: Các Phó Giám thị; các Trưởng phân trại; Đội trưởng các đội: Tham mưu, Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Hậu cần, tài vụ, Y tế và bảo vệ môi trường.
2. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách Phân trại Quản lý phạm nhân làm Ủy viên thường trực, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ trinh sát, giáo dục, y tế của Phân trại Quản lý phạm nhân làm ủy viên và Đội trưởng Đội Tham mưu làm ủy viên thư ký.
3. Công an cấp huyện thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, cán bộ quản giáo, y tế là ủy viên và cán bộ tổng hợp của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là ủy viên thư ký.
4. Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc thuộc quân khu thành lập Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị làm Ủy viên thường trực, Trợ lý giam giữ làm thư ký và các ủy viên gồm: Chính trị viên, Đội trưởng Quản giáo, Vệ binh, Quân y, Văn thư.
Điều 7. Trình tự, thủ tục lập và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam đó và chuyển cho Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng thuộc Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an để xem xét, thẩm định.
2. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam đó và chuyển cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để xem xét, thẩm định.
3. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, thẩm định.
4. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại giam thuộc quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam đó và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự quân khu để xem xét, thẩm định.
5. Hội đồng xét, đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của trại tạm giam thuộc quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc quân khu, báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự quân khu xem xét, thẩm định.
6. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ phải xem xét, thẩm định và có văn bản trả lời cho cơ quan lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ. Nếu hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa đầy đủ tài liệu thì cơ quan thẩm định yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung hoặc làm rõ thêm. Thời hạn 02 ngày để xem xét, thẩm định được tính lại, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận được tài liệu bổ sung hoặc văn bản giải trình về vấn đề cần được làm rõ thêm.
Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến đồng ý của cơ quan thẩm định có thẩm quyền, trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu làm văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Đối với phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trại tạm giam thuộc quân khu thì sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
7. Đối với phạm nhân bị phạt tù từ 15 năm trở xuống bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và không có khả năng tự phục vụ bản thân, có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, cơ quan có thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Chánh án Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định mà không cần phải thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ như các trường hợp khác.
Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân quy định tại khoản này phải được sao gửi Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật.
8. Qua công tác kiểm sát thi hành án, nếu thấy có phạm nhân đủ điều kiện được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Viện kiểm sát tự mình hoặc có văn bản yêu cầu Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó. Trường hợp Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân theo yêu cầu của Viện kiểm sát thì trình tự, thủ tục vẫn thực hiện theo quy định tại Điều này.
Điều 8. Thủ tục nhận hồ sơ và xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
1. Ngay khi nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, Tòa án phải vào sổ nhận đơn và Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán nghiên cứu hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày được phân công Thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ và giải quyết như sau:
a) Trường hợp văn bản đề nghị và tài liệu kèm theo đã đầy đủ theo hướng dẫn tại Điều 5 của Thông tư này thì báo cáo Chánh án xem xét tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù;
b) Trường hợp văn bản đề nghị và tài liệu chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này thì báo cáo Chánh án xem xét thông báo bổ sung đơn, văn bản đề nghị và các tài liệu kèm theo. Trường hợp này, thời hạn Chánh án phải xem xét quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật Thi hành án hình sự được tính kể từ ngày nhận được bổ sung đơn, văn bản, tài liệu kèm theo.
2. Trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày Thẩm phán xem xét, thẩm tra văn bản đề nghị và tài liệu kèm theo báo cáo Chánh án xem xét tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải xem xét giải quyết như sau:
a) Trường hợp không đủ căn cứ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì không đồng ý tạm đình chỉ và có văn bản trả lời cơ quan đề nghị trong đó nêu rõ lý do. Văn bản này, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp biết (nếu Viện kiểm sát không có văn bản đề nghị hoãn chấp hành án). Văn bản trả lời đề nghị không bị khiếu nại hoặc kháng nghị.
b) Trường hợp có đủ căn cứ tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì ra Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
3. Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có các nội dung sau: ghi rõ họ, tên, chức vụ người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; quyết định thi hành án phạt tù; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được tạm đình chỉ chấp hành phạt tù; lý do được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và hiệu lực thi hành.
Trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì Quyết định thi hành án số……của Tòa án…..được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Trường hợp tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự thì cuối quyết định ghi “Quyết định thi hành án số…..của Tòa án….được thi hành kể từ ngày có Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng sức khỏe của người được tạm đình chỉ chấp hành án được phục hồi”.
Quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
4. Quyết định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Chương XXII của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định phúc thẩm là quyết định cuối cùng.
Điều 9. Tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
1. Người ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được ghi trong quyết định kháng nghị mà không phải ban hành quyết định riêng.
2. Thời hạn tạm đình chỉ được tính kể từ ngày ra quyết định kháng nghị cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
3. Việc thi hành quyết định kháng nghị về tạm đình chỉ trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật Thi hành án hình sự.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢM THỜI HẠN CHẤP HÀNH ÁN PHẠT TÙ
Điều 10. Thời điểm xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được thực hiện mỗi năm 03 (ba) đợt, vào các dịp: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc khánh (2/9) và tết Nguyên đán. Đối với các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù vào dịp ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán.
2. Đối với những trường hợp đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà trong năm đó lại lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì việc đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 11. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Các trại giam thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách công tác giáo dục, hồ sơ làm ủy viên thường trực, Đội trưởng Giáo dục và hồ sơ làm Ủy viên thư ký và các Ủy viên gồm: Các Phó Giám thị; các Trưởng phân trại; Đội trưởng các đội: Tham mưu, Cảnh sát quản giáo, Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Kế hoạch, hướng nghiệp, dạy nghề và xây dựng, Hậu cần, tài vụ, Y tế và bảo vệ môi trường.
Trại giam có từ hai phân trại trở lên thì thành lập Tiểu ban xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của phân trại do Phó Giám thị phụ trách phân trại làm Trưởng tiểu ban, cán bộ giáo dục phân trại làm Ủy viên thư ký và các ủy viên khác gồm: Trưởng phân trại, Tổ trưởng Cảnh sát quản giáo, cán bộ trinh sát, y tế và Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ của phân trại.
2. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị phụ trách Phân trại Quản lý phạm nhân làm Ủy viên thường trực, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân, Đội trưởng Đội Quản giáo, Trung đội trưởng Cảnh sát bảo vệ, cán bộ trinh sát, giáo dục, y tế của Phân trại Quản lý phạm nhân làm Ủy viên và Đội trưởng Đội Tham mưu làm ủy viên thư ký.
3. Công an cấp huyện thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng, Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, cán bộ quản giáo, y tế là ủy viên và cán bộ tổng hợp của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện là ủy viên thư ký.
4. Các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc thuộc quân khu thành lập Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do Giám thị làm Chủ tịch, Phó Giám thị làm Ủy viên thường trực, Trợ lý giam giữ làm thư ký và các ủy viên gồm: Chính trị viên, Đội trưởng Quản giáo, Đội trưởng Vệ binh, Quân y, Văn thư.
Điều 12. Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam và trại tạm giam thuộc Bộ Công an. Thành phần Hội đồng gồm có: Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Chủ tịch, một Phó Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng phụ trách công tác xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù làm Ủy viên thường trực, Trưởng phòng Công tác đặc xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng làm Ủy viên thư ký và một Phó Trưởng phòng Công tác đặc xá, giảm thời hạn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thuộc Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, một đại diện lãnh đạo cấp phòng của Cục Quản lý phạm nhân, trại viên làm ủy viên.
2. Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại tạm giam Công an cấp tỉnh và Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Các thành viên Hội đồng gồm có: Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp là Ủy viên thường trực, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phụ trách công tác thi hành án hình sự là Ủy viên thư ký và các Ủy viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Công an cấp tỉnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra.
3. Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.
Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam thuộc quân khu.
Điều 13. Lập hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trước thời điểm xét giảm quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch này, ít nhất là 20 ngày, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bố trí cho cán bộ quản giáo tổ chức họp đội phạm nhân để bình xét, giới thiệu, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho những người có đủ điều kiện và biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Cuộc họp phải được lập biên bản, có chữ ký của cán bộ quản giáo và phạm nhân ghi biên bản.
Trên cơ sở kết quả họp đội phạm nhân, cán bộ quản giáo lập danh sách và đề xuất mức giảm cho từng phạm nhân để báo cáo trước Tiểu ban của phân trại (đối với các trại giam có thành lập Tiểu ban) hoặc báo cáo Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có ít phạm nhân thì cán bộ quản giáo không tổ chức họp mà kiểm tra, rà soát, lập danh sách phạm nhân có đủ điều kiện xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, báo cáo Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
2. Hội đồng xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện họp nghe báo cáo kết quả xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các Tiểu ban (đối với các trại giam có thành lập Tiểu ban) hoặc của cán bộ quản giáo phụ trách đội phạm nhân và xét duyệt, đề nghị giảm thời hạn cho từng phạm nhân, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách do Chủ tịch Hội đồng ký.
3. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam thuộc quân khu, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đến Hội đồng thẩm định có thẩm quyền để thẩm định.
4. Hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
Điều 14. Thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Trại giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an để thẩm định. Trại tạm giam thuộc Bộ Công an chuyển hồ sơ, danh sách đến Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý để xét duyệt, sau đó chuyển cho Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thẩm định.
Hội đồng thẩm định tổ chức họp để thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến. Đối với trường hợp người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là phạm nhân phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Hội đồng thẩm định phải mời đại diện Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an dự họp hoặc gửi văn bản đề nghị cho ý kiến trước khi Hội đồng họp. Sau khi thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của các trại giam, trại tạm giam, Hội đồng tổng hợp kết quả và báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoàn thành hồ sơ, danh sách, làm văn bản để nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù xem xét, quyết định, đồng thời gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
2. Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh và Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho Hội đồng thẩm định của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng, Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an cấp tỉnh phối hợp với trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trình Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, đồng thời chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh để thực hiện chức năng kiểm sát.
3. Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng để thẩm định. Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định hồ sơ, danh sách đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù do trại giam, trại tạm giam chuyển đến và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt.
Căn cứ kết quả thẩm định đã được Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng duyệt, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu nơi trại giam, trại tạm giam đóng xem xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
4. Trại giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội đồng, Giám thị trại giam thuộc quân khu có văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định, đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách cho Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
5. Trại tạm giam thuộc quân khu chuyển hồ sơ, danh sách đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đến Hội đồng thẩm định của quân khu để thẩm định. Căn cứ kết quả thẩm định, kiểm tra của Hội đồng, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phối hợp với trại tạm giam hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách, làm văn bản đề nghị Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định; đồng thời, gửi một bộ hồ sơ, danh sách đến Viện kiểm sát quân sự cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Nhận, xử lý hồ sơ, thành lập Hội đồng xét đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn.
2. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Chánh án Tòa án thành lập Hội đồng gồm 03 Thẩm phán xét, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, Phân công 01 Thẩm phán chủ trì phiên họp và Thư ký ghi biên bản phiên họp.
3. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công chủ trì phiên họp Thẩm phán xem xét giải quyết như sau:
a) Quyết định mở phiên họp giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
b) Yêu cầu cơ quan đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bổ sung hoặc làm rõ thêm đối với trường hợp cần bổ sung tài liệu hoặc tài liệu chưa rõ.
4. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung như sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của người chấp hành án; Quyết định thi hành án phạt tù; Họ tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ tên Kiểm sát viên.
Điều 16. Phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có thể họp tại trụ sở Tòa án hoặc tại trại giam, trại tạm giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
2. Phiên họp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tiến hành như sau:
a) Thư ký phiên họp báo cáo sự có mặt của những người tham gia phiên họp.
b) Chủ tọa khai mạc phiên họp, giới thiệu thành phần Hội đồng, Kiểm sát viên tham gia phiên họp, Thư ký phiên họp.
c) Một thành viên của Hội đồng trình bày hồ sơ đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
d) Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến;
e) Hội đồng thảo luận và xem xét, quyết định.
3. Chủ tọa phiên họp điều hành thảo luận. Hội đồng xem xét, quyết định trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của Viện kiểm sát, người tham gia phiên họp:
a) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù;
b) Chấp nhận đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
4. Hội đồng thảo luận và thông qua tại phiên họp, không phải lập văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên họp.
5. Phiên họp được ghi biên bản và ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp và mọi
Điều 17. Giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật
1. Trường hợp phạm nhân đã được đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ hoặc có hành vi vi phạm pháp luật trước khi có quyết định giảm của Tòa án, thì Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải báo cáo kịp thời với Thủ trưởng cơ quan thẩm định quy định tại Điều 14 của Thông tư liên tịch này, Tòa án có thẩm quyền xét giảm và Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để loại phạm nhân đó ra khỏi danh sách xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
2. Trường hợp phạm nhân đã có Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án nhưng chưa có hiệu lực mà vi phạm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên, thì cơ quan lập hồ sơ đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù kịp thời có văn bản (kèm theo hồ sơ kỷ luật) đề nghị Tòa án đã ra Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp với Tòa án để thực hiện chức năng kiểm sát theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Quyết định về việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Quyết định về việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án ra quyết định;
c) Họ tên của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký phiên họp;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành; quyết định thi hành án phạt tù;
đ) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết;
e) Nhận định của Tòa án về những căn cứ chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị;
g) Căn cứ pháp luật để giải quyết đề nghị;
h) Quyết định của Tòa án;
l) Hiệu lực thi hành.
2. Quyết định về việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù phải được gửi theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Chương XXII của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quyết định phúc thẩm là quyết định cuối cùng.
Điều 19. Thi hành Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
1. Quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; trường hợp thời gian được giảm bằng thời hạn tù còn lại phải chấp hành thì quyết định của Tòa án được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng nghị.
2. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức công bố công khai quyết định của Tòa án về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho toàn thể phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ biết và làm thủ tục trừ thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân để lưu hồ sơ phạm nhân.
3. Sau khi công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân, Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu tổng hợp tình hình, kết quả cụ thể báo cáo Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để theo dõi, chỉ đạo.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2020.
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế để có hướng dẫn kịp thời./.
KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN | KT. VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ VIỆN TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP THỨ TRƯỞNG
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG THỨ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ THỨ TRƯỞNG |
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- Bộ Công an;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Y tế;
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử của các Bộ, ngành: TANDTC, VKSNĐTC, BCA, BQP, BTP, BYT;
- Lưu: VT (TANDTC, VKSNĐTC, BCA, BQP, BTP, BYT). |
|
| | |