Loading...
Skip to main content
Luật 61/2014/QH13

Số ký hiệu:61/2014/QH13

Hiệu lực:Đang có hiệu lực

Ngày có hiệu lực:21/11/2014

  

QUỐC HỘI

--------

Luật số: 61/2014/QH13

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU

CỦA LUẬT HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 66/2006/QH11.  

Điều 1

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 5; bổ sung khoản 6 Điều 6 như sau:

5. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động hàng không dân dụng.

6. Nhà nước có chính sách bảo đảm điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không.”

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Điều 8. Nội dung quản lý nhà nước về hàng không dân dụng

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, định mức kinh tế - kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy chế, quy trình về hàng không dân dụng.

2. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển ngành hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật.

3. Quản lý về hoạt động bay dân dụng trong lãnh thổ Việt Nam và ở vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; quản lý việc đầu tư xây dựng cơ sở cung cấp dịch vụ, hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay.

4. Quy hoạch, quản lý việc đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác cảng hàng không, sân bay; quản lý việc sử dụng đất tại cảng hàng không, sân bay.

5. Quản lý hoạt động vận chuyển hàng không; kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không.

6. Đăng ký tàu bay và đăng ký các quyền đối với tàu bay.

7. Quản lý việc thiết kế, sản xuất, khai thác, sửa chữa, bảo dưỡng, xuất khẩu, nhập khẩu tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị của tàu bay và các trang bị, thiết bị, vật tư khác phục vụ hoạt động hàng không dân dụng.

8. Cấp, công nhận chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

9. Quản lý việc bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng; tổ chức và bảo đảm an ninh, an toàn chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay đặc biệt.

10. Quản lý hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn tàu bay.

11. Hợp tác quốc tế về hàng không dân dụng.

12. Quản lý việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của ngành hàng không dân dụng, giám định sức khỏe nhân viên hàng không.

13. Quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng không dân dụng; bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động hàng không dân dụng.

14. Quản lý giá, phí và lệ phí trong hoạt động hàng không dân dụng.

15. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động hàng không dân dụng.

3. Bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 9 như sau:

2a. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ Giao thông vận tải là Nhà chức trách hàng không.

Nhà chức trách hàng không có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Ban hành chỉ thị, huấn lệnh; thực hiện các biện pháp khẩn cấp bao gồm cả việc đình chỉ chuyến bay và hoạt động của phương tiện, thiết bị, nhân viên hàng không để bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không và duy trì hoạt động đồng bộ của dây chuyền vận chuyển hàng không;

b) Giám sát việc khai thác, bảo dưỡng tàu bay, kết cấu hạ tầng hàng không, bảo đảm hoạt động bay, khai thác vận chuyển hàng không, cung cấp dịch vụ hàng không, dịch vụ phi hàng không; cấp, phê chuẩn, công nhận giấy phép, giấy chứng nhận, năng định, tài liệu khai thác chuyên ngành hàng không dân dụng;

c) Tổ chức, vận hành và chỉ đạo hệ thống giám sát, quản lý an ninh hàng không, an toàn hàng không, tìm kiếm cứu nạn hàng không, khẩn nguy sân bay; tổ chức, chỉ đạo xử lý, điều tra, xác minh các tình huống uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không, sự cố, tai nạn hàng không, thực hiện chuyến bay chuyên cơ;

d) Bổ nhiệm giám sát viên trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, chất lượng dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định;

đ) Tổng hợp, phân tích và đánh giá báo cáo sự cố, tai nạn tàu bay; kiểm tra, giám sát việc khắc phục sự cố, tai nạn tàu bay và thực hiện biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn tàu bay; điều tra sự cố, tai nạn tàu bay;

e) Ban hành hoặc công nhận áp dụng quy trình, tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành hàng không dân dụng;

g) Công bố, phát hành trong nước và quốc tế thông tin, thông báo liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng;

h) Thực hiện thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 10 như sau:

1. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng thực hiện thanh tra chuyên ngành hàng không dân dụng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về hàng không dân dụng; điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; quy tắc, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy chế, quy trình khai thác chuyên ngành hàng không dân dụng;

b) Đình chỉ hoạt động của tổ chức, cá nhân và phương tiện vi phạm quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật an toàn hàng không, an ninh hàng không;

c) Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

d) Tạm giữ tàu bay;

đ) Phối hợp với Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan hữu quan ở địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hàng không dân dụng;

e) Kiến nghị áp dụng biện pháp xử lý và khắc phục những vi phạm trong hoạt động hàng không dân dụng;

g) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng tổ chức thanh tra hàng không thực hiện chức năng thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Điều 11. Phí, lệ phí và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không

1. Dịch vụ chuyên ngành hàng không bao gồm:

a) Dịch vụ hàng không là dịch vụ liên quan trực tiếp đến khai thác tàu bay, khai thác vận chuyển hàng không và hoạt động bay;

b) Dịch vụ phi hàng không là dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không.

2. Phí, lệ phí chuyên ngành hàng không bao gồm:

a) Phí bay qua vùng trời Việt Nam, phí nhượng quyền khai thác và phí khác theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

b) Lệ phí cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

3. Giá dịch vụ hàng không bao gồm:

a) Giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh; giá dịch vụ điều hành bay đi, đến; giá dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; giá phục vụ hành khách; giá bảo đảm an ninh hàng không và giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

b) Giá dịch vụ hàng không khác.  

4. Giá dịch vụ phi hàng không bao gồm:

a) Giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;

b) Giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay.

5. Bộ Tài chính quy định mức phí, lệ phí tại khoản 2 Điều này theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.

6. Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá dịch vụ tại điểm a khoản 3 Điều này trên cơ sở phương pháp định giá theo quy định của Bộ Tài chính.

7. Doanh nghiệp quyết định mức giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định, thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

8. Doanh nghiệp quyết định mức giá dịch vụ quy định tại điểm b khoản 4 Điều này và thực hiện niêm yết giá theo quy định.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 như sau:

4. Theo đề nghị của người đăng ký tàu bay, chủ sở hữu tàu bay, người nhận giao dịch bảo đảm, người cho thuê hoặc người bán tàu bay có điều kiện.”

7. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

Điều 20. Thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay

1. Việc thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận.

2. Cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam phải có giấy phép do Bộ Giao thông vận tải cấp. Người đề nghị cấp giấy phép phải nộp lệ phí.

3. Tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay mang quốc tịch Việt Nam chỉ được bảo dưỡng tại cơ sở bảo dưỡng và theo chương trình bảo dưỡng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

4. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu chế tạo tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay phải báo cáo và tuân thủ theo quy định của Bộ Quốc phòng.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:

Điều 21. Quy định chi tiết về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; thủ tục cấp, công nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay, Giấy chứng nhận loại; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay; tiêu chuẩn, thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của người lái trên thiết bị bay đó.

Phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay.

Khí cầu là thiết bị bay mà lực nâng được tạo bởi chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, bao gồm khí cầu bay có người điều khiển và khí cầu bay không có người điều khiển.

Mô hình bay bao gồm các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn; các loại dù bay và diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.”

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:

Điều 27. Quy định chi tiết về khai thác tàu bay

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về khai thác tàu bay, điều kiện, thủ tục và trình tự cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay, Giấy phép sử dụng thiết bị vô tuyến điện trên tàu bay; yêu cầu bảo vệ môi trường đối với tàu bay và động cơ tàu bay, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ.

10. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 28 như sau:

1. Các quyền đối với tàu bay bao gồm:

a) Quyền sở hữu tàu bay;

b) Quyền chiếm hữu tàu bay bằng việc thuê mua, thuê có thời hạn từ sáu tháng trở lên;

c) Thế chấp, cầm cố tàu bay;

d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

11. Bổ sung khoản 6 Điều 49 như sau:  

6. Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải.

Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở, đóng sân bay chuyên dùng.”

12. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 50 như sau:

“4. Chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay.

Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay phải nộp lệ phí.”

13. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56 như sau:

2. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ sân bay chuyên dùng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay toàn quốc, trừ sân bay chuyên dùng.”

14. Bổ sung khoản 3 Điều 58 như sau:

3. Bộ Giao thông vận tải quản lý, giám sát việc đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa, duy trì đủ điều kiện khai thác cảng hàng không, sân bay.

Bộ Xây dựng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan thực hiện quản lý chất lượng xây dựng công trình dân dụng tại cảng hàng không, sân bay.”

15. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 59 như sau:

“1. Cảng vụ hàng không là cơ quan trực thuộc Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng không dân dụng tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật.”

16. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 79 như sau:

“2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quyết định việc thiết lập và khai thác vùng trời sân bay, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thiết lập và khai thác đường hàng không.

Vùng trời sân bay là khu vực trên không có giới hạn ngang và giới hạn cao phù hợp với đặc điểm của từng sân bay; phục vụ cho tàu bay cất cánh, hạ cánh, bay chờ trên sân bay.

Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung là khu vực trên không có giới hạn ngang và giới hạn cao, được xác định cho từng loại hình khai thác; có quy tắc, phương thức bay và các yêu cầu về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Đường hàng không là khu vực trên không có giới hạn xác định về độ cao, chiều rộng và được kiểm soát.

3. Bộ Giao thông vận tải quản lý việc tổ chức khai thác đường hàng không, vùng trời sân bay dân dụng, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý. Việc tổ chức khai thác vùng trời sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng.”

17. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 80 như sau:

“2. Tàu bay Việt Nam, tàu bay nước ngoài thực hiện chuyến bay quốc tế chỉ được phép cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế; trường hợp tàu bay cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay nội địa hoặc chuyến bay quốc tế thực hiện vận chuyển nội địa bằng tàu bay Việt Nam phải được Bộ Giao thông vận tải cho phép sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng.

Chuyến bay quốc tế quy định tại Luật này là chuyến bay được thực hiện trên lãnh thổ của hơn một quốc gia.”

18. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 81 như sau:

2. Tàu bay hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam phải được cơ quan sau đây của Việt Nam cấp phép bay:

a) Bộ Ngoại giao cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

Chuyến bay chuyên cơ là chuyến bay được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định phục vụ chuyến bay chuyên cơ;

b) Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho chuyến bay của tàu bay quân sự của Việt Nam, nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam; chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; chuyến bay thực hiện ngoài đường hàng không;

c) Bộ Giao thông vận tải cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm chuyến bay của tàu bay Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản này; chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản này và chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản này.”

19. Sửa đổi, bổ sung khoản 2; bổ sung khoản 5 Điều 92 như sau:

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải quy định và quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng công bố công khai các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không trong khu vực sân bay có hoạt động hàng không dân dụng; khu vực giới hạn bảo đảm hoạt động bình thường của các đài, trạm vô tuyến điện hàng không; giới hạn chướng ngại vật của khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay; thống kê, đánh dấu và công bố danh mục chướng ngại vật tự nhiên, nhân tạo có thể ảnh hưởng đến an toàn của hoạt động bay.”

“5. Khi cấp phép xây dựng công trình tại các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng phải tuân thủ quy định về độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không.”

20. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 94 như sau:

“1. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức, sử dụng vùng trời; quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay đặc biệt; quản lý chướng ngại vật hàng không.”

21. Sửa đổi tên Mục 2 Chương V như sau:

“BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG BAY”

22. Sửa đổi, bổ sung Điều 95 như sau:

Điều 95. Bảo đảm hoạt động bay

1. Bảo đảm hoạt động bay gồm:

a) Tổ chức và quản lý bảo đảm hoạt động bay;

b) Cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

2. Tổ chức và quản lý bảo đảm hoạt động bay là việc thiết lập và vận hành hệ thống bảo đảm hoạt động bay, bao gồm việc quy hoạch vùng thông báo bay; quy hoạch, quản lý việc đầu tư xây dựng, bảo trì, sửa chữa, duy trì đủ điều kiện khai thác cơ sở hạ tầng, tổ chức khai thác hệ thống bảo đảm hoạt động bay; tiêu chuẩn hóa, đánh giá, giám sát bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; hiệp đồng điều hành bay và thông báo tin tức hàng không.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức và quản lý bảo đảm hoạt động bay.

3. Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ cần thiết để bảo đảm an toàn, điều hòa, liên tục và hiệu quả cho hoạt động bay, bao gồm dịch vụ không lưu; dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát; dịch vụ khí tượng; dịch vụ thông báo tin tức hàng không; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn. Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay là dịch vụ công ích.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay phải có các cơ sở cung cấp dịch vụ và hệ thống kỹ thuật, thiết bị được Bộ Giao thông vận tải cấp giấy phép khai thác. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép khai thác phải nộp lệ phí.

5. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động bay trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý được cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay”.

23. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 102 như sau:

2. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay, Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp tiến hành tìm kiếm, cứu nạn người, tàu bay và tài sản.

3. Trong trường hợp tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài khu vực quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác tiến hành tìm kiếm, cứu nạn người, tàu bay và tài sản.”

24. Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 110 như sau:

4a. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có nghĩa vụ sau đây:

a) Công bố nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;

b) Hoạt động đúng mục đích, nội dung, điều kiện ghi trong Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;

c) Duy trì điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay theo quy định;

d) Duy trì chất lượng của dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

đ) Tuân thủ quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan.”

25. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 112 như sau:

“2. Hãng hàng không kinh doanh vận chuyển hàng không trong phạm vi quyền vận chuyển hàng không do Bộ Giao thông vận tải cấp; không được mua, bán quyền vận chuyển hàng không, thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hoặc cạnh tranh không lành mạnh; không được sử dụng thương hiệu, bao gồm tên thương mại và nhãn hiệu gây nhầm lẫn với hãng hàng không khác; không được nhượng hoặc nhận quyền kinh doanh vận chuyển hàng không.”

26. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 115 như sau:

“3. Bộ Giao thông vận tải chỉ định hãng hàng không Việt Nam khai thác đường bay đến các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không công cộng.”

27. Sửa đổi, bổ sung Điều 116 như sau:

Điều 116. Giá dịch vụ vận chuyển hàng không

1. Hãng hàng không phải thông báo theo yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên đường bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

2. Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.”

28. Sửa đổi, bổ sung khoản 5; bổ sung khoản 6 Điều 145 như sau:

5. Trong trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng không được vận chuyển hoặc chuyến bay bị huỷ hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài mà không được người vận chuyển thông báo trước thì người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này và phải trả một khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách. Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm dân sự của người vận chuyển thì khoản tiền này được trừ vào khoản tiền bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về thời gian người vận chuyển phải thông báo trước, thời gian chuyến bay bị chậm kéo dài và khoản tiền bồi thường ứng trước không hoàn lại sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Tài chính.

6. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ cho hành khách tại cảng hàng không, sân bay.”

29. Sửa đổi, bổ sung Điều 159 như sau:

Điều 159. Vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ

1. Không được vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Quy định này cũng được áp dụng đối với tàu bay công vụ.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định trường hợp đặc biệt cho phép vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí, dụng cụ chiến tranh vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam.

3. Thủ tướng Chính phủ quyết định trường hợp đặc biệt cho phép vận chuyển bằng đường hàng không vật liệu phóng xạ vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam.

4. Ngoài quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, việc vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, vật liệu phóng xạ bằng đường hàng không phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.”

30. Sửa đổi, bổ sung khoản 3; bổ sung khoản 4 Điều 165 như sau:

“3. Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hàng hóa tương ứng với mức độ thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

a) Do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa;

b) Do quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hàng hóa;

c) Do xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang;

d) Do lỗi của người gửi, người nhận hàng hóa hoặc do lỗi của người áp tải được người gửi hàng hoặc người nhận hàng cử đi kèm hàng hóa.

4. Người vận chuyển được miễn một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành lý ký gửi tương ứng với mức độ thiệt hại do đặc tính tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hành lý ký gửi gây ra.”

31. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 190 như sau:

“2. Hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng là hành vi có khả năng uy hiếp an toàn hoạt động hàng không dân dụng, bao gồm một trong các hành vi sau đây:

a) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay đang bay;

b) Chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay trên mặt đất;

c) Sử dụng tàu bay như một vũ khí;

d) Bắt giữ con tin trong tàu bay hoặc tại cảng hàng không, sân bay;

đ) Xâm nhập trái pháp luật vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

e) Đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay và khu vực hạn chế khác trái pháp luật.

Vật phẩm nguy hiểm bao gồm vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất dễ cháy, chất nổ, chất dễ nổ, chất độc hóa học và sinh học, chất phóng xạ và các vật hoặc chất khác có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, an toàn của chuyến bay;

g) Cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;

h) Cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật uy hiếp đến an toàn khai thác tàu bay; khai thác cảng hàng không, sân bay; bảo đảm hoạt động bay.”

32. Sửa đổi, bổ sung Điều 191 như sau:

Điều 191. Bảo đảm an ninh hàng không

1. Bảo đảm an ninh hàng không được thực hiện bằng các biện pháp sau đây:

a) Bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, quốc phòng, công an nhân dân, phòng, chống khủng bố và pháp luật khác có liên quan;

b) Thiết lập khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không để bảo vệ tàu bay và công trình, trang bị, thiết bị tại khu vực đó;

c) Kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa, việc ra, vào và hoạt động trong khu vực hạn chế theo quy định; lục soát đối với tàu bay, phương tiện, người, hành lý, hàng hóa khi có dấu hiệu uy hiếp an ninh hàng không;

d) Loại trừ khả năng chuyên chở bất hợp pháp vật phẩm nguy hiểm bằng đường hàng không; áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép chuyên chở vật phẩm nguy hiểm, đối tượng tiềm ẩn uy hiếp an ninh hàng không; cấm vận chuyển vĩnh viễn hoặc có thời hạn đối với hành khách gây rối, người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng hoặc trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hành khách gây rối là hành khách cố ý không chấp hành quy định về an toàn hàng không, an ninh hàng không, trật tự công cộng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay hoặc có hành vi tung tin, cung cấp thông tin sai uy hiếp an toàn hàng không;

đ) Giám sát an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không và trên tàu bay;

e) Phòng, chống khủng bố trên tàu bay;

g) Áp dụng các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khi cho phép vận chuyển đối tượng nguy hiểm;

h) Kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không;

i) Đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại các điểm a, e, g và i khoản 1 Điều này.

3. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các biện pháp quy định tại các điểm b, c, d, đ và h khoản 1 Điều này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

33. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 192 như sau:

“1. Khu vực hạn chế là khu vực của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không mà việc ra, vào và hoạt động tại đó phải tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được kiểm tra, soi chiếu, giám sát, lục soát an ninh hàng không theo quy định.”

34. Sửa đổi, bổ sung Điều 193 như sau:

Điều 193. Kiểm tra, soi chiếu, giám sát, lục soát an ninh hàng không đối với chuyến bay

1. Tàu bay phải được kiểm tra, giám sát an ninh hàng không trước khi thực hiện chuyến bay; trường hợp có dấu hiệu hoặc thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, an toàn của chuyến bay phải được lục soát an ninh hàng không.

2. Hành khách, thành viên tổ bay, người phục vụ chuyến bay, người khác có liên quan, hành lý, hàng hoá, bưu gửi và các vật phẩm khác phải được kiểm tra, soi chiếu, giám sát an ninh hàng không trước khi lên tàu bay; trường hợp có dấu hiệu hoặc có thông tin đe dọa liên quan đến an ninh, an toàn của chuyến bay thì phải được lục soát an ninh hàng không. Việc giám sát an ninh hàng không, duy trì trật tự, kỷ luật trên tàu bay phải được thực hiện trong suốt chuyến bay.

3. Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục lục soát an ninh hàng không.

35. Sửa đổi, bổ sung Điều 195 như sau:

Điều 195. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không

1. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tổ chức để thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải.

2. Địa bàn hoạt động của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không bao gồm cảng hàng không, sân bay; trên tàu bay; cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; cơ sở xử lý hàng hoá, bưu gửi để đưa lên tàu bay.

3. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; có trang phục, phù hiệu, cấp hiệu riêng theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

4. Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

5. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với lực lượng kiểm soát an ninh hàng không.”

36. Sửa đổi, bổ sung Điều 196 như sau:

Điều 196. Chương trình, quy chế an ninh hàng không

1. Chương trình, quy chế an ninh hàng không quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quy trình, thủ tục, biện pháp bảo đảm an ninh hàng không.

2. Chương trình, quy chế an ninh hàng không bao gồm:

a) Chương trình an ninh hàng không Việt Nam;

b) Chương trình đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không Việt Nam;

c) Chương trình kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam;

d) Chương trình an ninh hàng không của người khai thác cảng hàng không, sân bay;

đ) Chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không;

e) Chương trình đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không của cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không;

g) Quy chế an ninh hàng không của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay; cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay; cơ sở xử lý hàng hoá, bưu gửi để đưa lên tàu bay.

3. Các chương trình, quy chế an ninh hàng không quy định tại khoản 2 Điều này được ban hành phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành các chương trình an ninh hàng không quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này.

Nhà chức trách hàng không phê duyệt chương trình, quy chế an ninh hàng không quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 2 Điều này; chấp thuận hoặc không chấp thuận chương trình an ninh hàng không của hãng hàng không nước ngoài.”

37. Sửa đổi, bổ sung Điều 197 như sau:

Điều 197. Trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hàng không dân dụng

1. Người khai thác cảng hàng không, sân bay, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở sản xuất, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, thiết bị tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay, cơ sở xử lý hàng hoá, bưu gửi để đưa lên tàu bay chịu trách nhiệm xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, quy chế an ninh hàng không dân dụng theo quy định; bảo đảm an ninh hàng không đối với các hoạt động thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

2. Hãng hàng không nước ngoài thực hiện vận chuyển thường lệ đến và đi từ Việt Nam phải trình Nhà chức trách hàng không chương trình an ninh hàng không dân dụng đối với hoạt động của hãng tại Việt Nam.

3. Hãng hàng không, người khai thác tàu bay thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin trước về chuyến bay, hành khách và tổ bay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.

4. Tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động hàng không dân dụng phải thực hiện các quy định của pháp luật về an ninh hàng không.

5. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thanh tra, kiểm tra, khảo sát, thử nghiệm, đánh giá, điều tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an ninh hàng không đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động hàng không dân dụng.”

38. Bổ sung khoản 4 Điều 198 như sau:

“4. Tổ chức thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại không được thực hiện các hành vi hạn chế cạnh tranh bị cấm hoặc cạnh tranh không lành mạnh; không được sử dụng thương hiệu, bao gồm tên thương mại và nhãn hiệu gây nhầm lẫn với tổ chức thực hiện hoạt động hàng không chung khác; không được nhượng hoặc nhận quyền thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại.”

39. Thay cụm từ “bưu phẩm, bưu kiện, thư” tại điểm b khoản 1 Điều 45; khoản 2 Điều 47; khoản 1 Điều 109; khoản 1 Điều 111; Điều 119; khoản 2 Điều 120; khoản 3 Điều 121; Điều 157; khoản 1 Điều 198 bằng cụm từ “bưu gửi”. Thay cụm từ “Bộ Bưu chính, viễn thông” tại khoản 3 Điều 94 bằng cụm từ “Bộ Thông tin và Truyền thông”. Thay cụm từ “giá cước” tại các khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 126, khoản 2 Điều 128, khoản 2 Điều 143; cụm từ “cước phí” tại khoản 1 Điều 128, khoản 1 Điều 143, khoản 4 Điều 161; từ “cước” tại khoản 5 và khoản 6 Điều 147 bằng cụm từ “giá dịch vụ”. Thay cụm từ “tàn tật” tại khoản 2 Điều 145 bằng cụm từ “khuyết tật”.

40. Bãi bỏ Điều 125; khoản 3 và khoản 4 Điều 158.

Điều 2

Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 3 Điều 19 Luật giá số 11/2012/QH13 như sau:

“a) Định mức giá cụ thể đối với:

Các dịch vụ hàng không, bao gồm: dịch vụ cất cánh, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; phục vụ hành khách; bảo đảm an ninh hàng không và dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý;

Dịch vụ kết nối viễn thông;

Điện: giá truyền tải điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện;

b) Định khung giá đối với: giá phát điện; giá bán buôn điện; mức giá bán lẻ điện bình quân; giá dịch vụ hàng không khác; giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay;”

Điều 3

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.

2. Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2014.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Nguyễn Sinh Hùng

Luật 61/2014/QH13

Số ký hiệu 61/2014/QH13
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành
Quốc hội
Lĩnh vực
Giao thông
Người ký
Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành 21/11/2014
Ngày có hiệu lực 21/11/2014
Trạng thái Đang có hiệu lực

Danh sách tệp tin đính kèm

STT Tệp tin đính kèm Tải về
Lượt xem: 3483

HỆ THỐNG VĂN BẢN

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượng truy cập:

Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: 04.62741133
Email: banbientap@toaan.gov.vn, tatc@toaan.gov.vn.
Trưởng Ban biên tập: Ông Nguyễn Xuân Kỳ - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

© Bản quyền thuộc về Tòa án nhân dân tối cao.
Đề nghị ghi rõ nguồn (Cổng TTĐT Tòa án nhân dân tối cao) khi đăng tải lại các thông tin, nội dung từ vbpq.toaan.gov.vn.

ácdscv