Loading...
Skip to main content
GIAI ĐOẠN 1945 - 1959

GIAI ĐOẠN 1945 - 1959

img

1. Toà án trong những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà.

1.1. Thiết lập Toà án Quân sự

Ngày 13-9-1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Sắc lệnh thiết lập các Toà án quân sự. Theo Điều 1 của Sắc lệnh này thì sẽ thiết lập các Toà án quân sự gồm: ở Bắc bộ tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ tại Sài Gòn, Mỹ Tho. Uỷ ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ, trong địa hạt hai bộ ấy, có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Toà án quân sự ở những nơi trọng yếu khác. Về thẩm quyền xét xử, Toà án quân sự xử tất cả những người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ trường hợp phạm nhân là binh sỹ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật (Điều 2). Toà án quân sự xét xử tất cả các hành vi phạm tội được thực hiện trước hoặc sau ngày 19-8-1945. Ngoài ra, đối với những nơi ở xa các Toà án quân sự đã được thành lập theo Sắc lệnh này, thì trong những trường hợp đặc biệt, Chính phủ “có thể cho Uỷ ban nhân dân địa phương thành lập một Toà án quân sự có quyền xử trong một thời kỳ và theo đúng những nguyên tắc định trong Sắc lệnh này” (Điều 7). Về thẩm quyền theo lãnh thổ trong Sắc lệnh này chưa được đề cập đến. Ngày 26-9-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh ấn định địa phương thẩm quyền của các Toà án quân sự. Theo Điều 1 của Sắc lệnh này thì thẩm quyền theo lãnh thổ của các Toà án quân sự được xác định như sau: Toà án quân sự Hà Nội xét xử các vụ án xảy ra tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang; Toà án quân sự Hải Phòng xét xử các vụ án xảy ra tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên, Hải Ninh; Toà án quân sự tỉnh Thái Nguyên xét xử các vụ án xảy ra tại Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La; Toà án quân sự Ninh Bình xét xử các vụ án xảy ra tại Ninh Bình, Nam Đinh, Hà Nam, Thái Bình; Toà án quân sự Vinh xét xử các vụ án xảy ra tại Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam (kể cả Đà Nẵng); Toà án quân sự Quảng Ngãi xét xử các vụ án xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ ở phía Nam tỉnh Quảng Nam; Toà án quân sự Sài Gòn xét xử các vụ án xảy ra tại thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và tỉnh Gia Định, Tân Bình, Tây Ninh, Biên Hoà, Bà Rịa, Ô Cấp, Gò Công, Tân An, Côn Đảo; Toà án quân sự Mỹ Tho xét xử các vụ án xảy ra tại các tỉnh khác thuộc Nam Bộ.

Chỉ mười sáu ngày sau khi thành lập các Toà án quân sự nói trên, do yêu cầu của nhiệm vụ xét xử, ngày 29-9-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh đặt một Toà án quân sự tại Nha Trang. Theo Sắc lệnh này thì Toà án quân sự Nha Trang xét xử các vụ án xảy ra tại các tỉnh Khánh Hoà, Đắc Lắk, Đồng Nai, Phan Rang, Phan Thiết (Điều 2) và do đó có sự điều chỉnh thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án quân sự Quảng Ngãi là xét xử các vụ án xảy ra tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Bình Định, Phú Yên (Điều 3). Đến ngày 28-12-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 77C thiết lập một Toà án quân sự tại Phan Thiết và giao cho Uỷ ban nhân dân Trung bộ ấn định thẩm quyền theo lãnh thổ của các Toà án quân sự Quảng Ngãi, Nha Trang, Phan Thiết.

1.2. Thiết lập Toà án đặc biệt

Ngày 23-11-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 64 thiết lập một ban Thanh tra đặc biệt. Điều 1 Sắc lệnh quy định Ban Thanh tra đặc biệt có nhiệm vụ “đi giám sát tất cả các công việc và các nhân viên của Uỷ ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ”. Điều 3 quy định: “Sẽ thiết lập ngay tại Hà Nội một Toà án đặc biệt để xử những nhân viên của các Uỷ ban nhân dân hay các cơ quan của Chính phủ do ban Thanh tra truy tố”. Toà án đặc biệt do Chủ tịch Chính phủ lâm thời làm Chánh án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Hội thẩm (Điều 4). Toà án đặc biệt có toàn quyền định, có thể tuyên án tử hình. Những án tuyên lên sẽ thi hành trong 48 giờ (Điều 6) Ban Thanh tra và Toà án đặc biệt được lập ra chỉ có tính chất tạm thời (Điều 7).

1.3. Có thể thấy rằng trong mấy tháng đầu sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ đã rất chú trọng xây dựng bộ máy Nhà nước vì nhân dân phục vụ nói chung, trong đó có Toà án nhân dân nói riêng. Khái quát về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân trong năm 1945 chúng ta thấy Toà án chỉ được tổ chức một cấp, nhưng quyết định của Toà án sẽ được thi hành ngay sau khi tuyên án, không có quyền chống án, trừ người bị Toà án Quân sự kết án tử hình thì có quyền làm đơn lên Chủ tịch Chính phủ xin ân giảm. Trong trường hợp người bị kết án tử hình có làm đơn xin ân giảm án tử hình, thì bản án chưa được thi hành phải chờ quyết định của Chủ tịch Chính phủ (Điều 3 Sắc lệnh ngày 13-9-1945). Cũng cần lưu ý rằng đối với Nam bộ thì bằng Sắc lệnh số 77B ngày 24-12-1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã uỷ quyền cho Ban thường vụ của Uỷ ban nhân dân Nam bộ quyền ân giảm án tử hình này, có nghĩa là kể từ ngày 24-12-1945 nếu người nào bị một trong các Toà án quân sự ở Nam bộ kết án tử hình, thì có quyền làm đơn lên Uỷ ban nhân dân Nam bộ xin ân giảm án tử hình. Quyết nghị của Ban thường vụ Uỷ ban nhân dân Nam bộ cho hay không cho ân giảm án tử hình được coi là quyết nghị của Chủ tịch Chính phủ (Điều 1).

2. Toà án trong giai đoạn từ năm 1946 đến trước công cuộc Cải cách tư pháp năm 1950.

2.1. Thiết lập hệ thống Toà án thường

2.1.1. Ngày 24-1-1946 Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 13 về tổ chức các Toà án và các ngạch Thẩm phán. Đây là Sắc lệnh đầu tiên quy định một cách đầy đủ tổ chức giải quyết các tranh chấp, xử phạt các việc vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Toà án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch Thẩm phán; cụ thể như sau:

a. Theo quy định ở tiết thứ nhất thì Ban tư pháp xã được thành lập ở cơ sở cấp xã “ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký (theo Điều 75 Sắc lệnh số 63 ngày 22-11-1945 tổ chức chính quyền nhân dân) sẽ kiêm cả việc tư pháp. Cả ba uỷ viên trong Ban tư pháp ấy đều có quyền quyết nghị. Thư ký giữ công việc lục sự, lưu trữ công văn, làm các giấy tờ, biên bản... Mỗi tuần lễ Ban tư pháp phải họp ít nhất là một lần, họp công khai ở trụ sở của Uỷ ban” (Điều 2). Ban tư pháp xã có quyền: hoà giải tất cả các việc dân sự và thường sự; phạt các việc vi cảnh từ năm hào đến sáu đồng bạc (nếu người bị phạt không chịu nộp phạt, thì Ban tư pháp lập biên bản và đệ lên Toà án sơ cấp xét xử); thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên. Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản của ai và cũng không có quyền bắt bớ, giam giữ ai, trừ khi có trát nã của một Thẩm phán hay khi thấy người phạm tội quả tang (Điều 3 và Điều 4).

b. Theo quy định ở tiết thứ hai thì “ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Toà án sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận. Nếu cần một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được”. Toà án sơ cấp gồm có: một Thẩm phán, một lục sự và một hay nhiều Thư ký giúp việc. Mỗi tuần lễ, ít ra phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản, án từ. Ngoài ra Sắc lệnh còn quy định “ở các thành phố và thị xã, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt Toà án sơ cấp tổ chức theo các nguyên tắc nói trên” (Điều 11).

c. Theo quy định ở tiết thứ ba thì “ở mỗi tỉnh và ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn - Chợ Lớn có một Toà án đệ nhị cấp. Quản hạt Toà án này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố. Nếu cần, một Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể thay đổi quản hạt được”. Đồng thời tuỳ theo sự quan trọng, các Toà án đệ nhị cấp sẽ chia ra làm bốn hạng do Nghị định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định. Ngoài các thành phố kể trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể đặt thêm Toà án đệ nhị cấp ở các thành phố khác.

Về tổ chức trong một Toà án, thì Toà án đệ nhị cấp gồm có một Chánh án, một biện lý, một dự thẩm, một chánh lục sự và những thư ký giúp việc. Tuỳ nơi nhiều việc hay ít việc, có thể tăng thêm số Thẩm phán và lục sự, hay để một Thẩm phán kiêm nhiều chức vụ.

Về xét xử thì mỗi tuần lễ, ít ra cũng phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Khi xét xử về dân sự, thương sự, Chánh án xử một mình. Khi xét xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên phụ thẩm nhân dân góp ý kiến. (Điều 17). Theo quy định tại Điều 20, thì không thể cùng làm phụ thẩm trong một Toà án “các người thân thuộc hay thích thuộc với nhau cho đến bậc thứ ba, các người thân thuộc hay thích thuộc với các Thẩm phán hoặc với các người đương sự cho đến bậc thứ ba”và “không ai có thể làm phụ thẩm trong một việc mà mình là người đương sự hoặc đã điều tra, hoặc đã làm chứng hay làm giám định” (Điều 21). Sắc lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của phụ thẩm nhân dân rất cụ thể, họ “có bổn phận là lấy trí sáng suốt và lương tâm ngay thẳng ra xét mọi việc rồi phát biểu ý kiến một cách công bằng không vì nể, vì sợ một thế lực nào, vì lợi ích riêng hay tư thù mà bênh vực ai hay làm hại ai. Các phụ thẩm nhân dân phải giữ kín các điều bàn bạc trong lúc nghị án. Nếu tiết lộ bí mật ấy ra sẽ bị Toà thượng thẩm phạt từ sáu tháng đến hai năm tù”. Trước khi mở phiên toà các phụ thẩm nhân dân không được đọc hồ sơ, nhưng tại phiên toà họ có quyền yêu cầu ông Chánh án (Chủ toạ phiên toà) hỏi thêm các bị cáo và cho biết các tài liệu có trong hồ sơ. Ông Chánh án phải hỏi ý kiến các phụ thẩm về tội trạng của các bị cáo và về hình phạt rồi tự mình quyết định. Tuy nhiên, về các vấn đề thủ tục, tạm tha và các vấn đề khác liên quan đến hộ hay thương mại, ông Chánh án không phải hỏi ý kiến các phụ thẩm nhân dân.

Đối với các việc đại hình, khi xét xử Toà đệ nhị cấp gồm có năm người cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị; đó là: Chánh án Toà đệ nhị cấp ngồi ghế Chánh án (Chủ toạ phiên toà); hai Thẩm phán làm phụ thẩm chuyên môn được chọn trong các Thẩm phán của Toà án đệ nhị cấp hay của Toà án sơ cấp trong quản hạt, do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần. Tuy nhiên, trong năm, ông Chánh nhất có thể quyết định việc thay đổi hai vị phụ thẩm chuyên môn; hai phụ thẩm nhân dân được chọn bằng cách rút thăm ở danh sách các phụ thẩm nhân dân do Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố lập vào hồi đầu năm.

Theo quy định tại Điều 34, thì Toà đại hình xử sơ thẩm, ông biện lý, bị can và nguyên đơn có quyền chống án lên Toà thượng thẩm.

d. Theo quy định ở tiết thứ tư thì ở mỗi kỳ, có một Toà thượng thẩm; Toà thượng thẩm ở Bắc Kỳ đặt ở Hà Nội; Toà thượng thẩm Trung Kỳ đặt ở Thuận Hoá (Huế); Toà thượng thẩm Nam Kỳ đặt ở Sài Gòn. Mỗi Toà thượng thẩm gồn có một Chánh nhất, các Chánh án phòng, các hội thẩm, một chưởng lý, một hay nhiều phó chưởng lý, những tham lý, một chánh lục sự, các lục sự, những tham tá và thư ký. Về cách tổ chức các Toà thượng thẩm và số các Chánh án, hội thẩm, phó chưởng lý, tham lý và lục sự ở mỗi Toà do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định “Khi phúc lại các án tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án và hai hội thẩm, phải có thêm hai phụ thẩm nhân dân có quyền quyết nghị và chọn bằng cách rút thăm... (Điều 38). Danh sách các phụ thẩm nhân dân tại Toà thượng thẩm có từ 50 đến 100 người chọn trong nhân dân kỳ và sẽ do Uỷ ban hành chính kỳ lập vào hồi đầu năm sau khi hỏi ý kiến ông chưởng lý. Trong việc đại hình, nếu trước Toà thượng thẩm một bị cáo không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một luật sư để bào chữa cho bị cáo.

đ. Về tổ chức các ngạch Thẩm phán gồm có hai ngạch Thẩm phán: ngạch sơ cấp và ngạch đệ nhị cấp. Thẩm phán sơ cấp làm việc ở Toà sơ cấp, Thẩm phán đệ nhị cấp làm việc ở các Toà đệ nhị cấp và Toà thượng thẩm. Các Thẩm phán đệ nhị cấp chia ra làm hai chức vị: các Thẩm phán xử án do ông Chánh nhất Toà thượng thẩm đứng đầu và các Thẩm phán của công tố viện (Thẩm phán buộc tội) do ông chưởng lý đứng đầu. Khi xét xử, Thẩm phán quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án.

Trong Sắc lệnh này cũng quy định một cách rất cụ thể về tiêu chuẩn của Thẩm phán, cách tuyển chọn và đối tượng được tuyển chọn (bao gồm cả các quan lại cũ đã từng làm Thẩm phán, các lục sự Toà nam án đệ nhị cấp cũ), quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán, kỷ luật đối với Thẩm phán và y phục của Thẩm phán.

2.1.2. Tuy nhiên, do những khó khăn khách quan trong những ngày đầu mới giành chính quyền, việc xây dựng hệ thống Toà án theo Sắc lệnh 13 ngày 24-01-1946 chưa thực hiện được đầy đủ ở khắp các địa phương trong toàn quốc. Do đó, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 22-B ngày 18-12-1946 để quyền trợ cấp tư pháp cho Uỷ ban hành chính ở những nơi chưa đặt được Toà án biệt lập. Theo Sắc lệnh này, ở nơi nào chưa thiết lập được Toà án thì Uỷ ban hành chính sẽ kiêm việc tư pháp: Uỷ ban tỉnh có quyền hạn như Toà án đệ nhị cấp; Uỷ ban phủ, huyện, châu có quyền hạn như Toà án sơ cấp.

Ở tỉnh đương sự có quyền chống án lên Toà thượng thẩm (Điều 4) khi phúc thẩm, Toà thượng thẩm chỉ xét về nội dung vụ kiện, còn về hình thức, nếu có chỗ sai lầm mà không hại đến nội dung vụ án thì Toà thượng thẩm có thể tuỳ nghi công nhận hiệu lực của bản án bị kháng cáo như không có sự sai lầm ấy (Điều 5).

2.1.3. Tiếp theo Sắc lệnh số 13 ngày 24-01-1946, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946 ấn định thẩm quyền các Toà án và sự phân công giữa các thành viên trong Toà án. Chương thứ nhất của Sắc lệnh quy định cụ thể về thẩm quyền các Toà án như sau:

a. Toà án sơ cấp có thẩm quyền:

· Về hình sự:

+ Chung thẩm:

- Những án phạt bạc từ 0đ50 đến 9đ00

- Những án xử bồi thường từ 150đ trở xuống cho nguyên đơn bị thiệt hại trong một vụ vi cảnh.

+ Sơ thẩm:

- Những án phạt giam từ 1 đến 5 ngày;

- Những án xử bồi thường quá 150đ hoặc những việc xin bồi thường quá số tiền ấy, mà nguyên đơn thỉnh cầu trong đơn khiếu hay chậm nhất, lúc việc vi cảnh đem ra phiên toà xử.

· Về dân sự và thương sự:

+ Chung thẩm:

- Những việc hiện dân sự, thương sự về động sản mà phá ngạch do nguyên đơn định không quá 150đ.

- Những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Toà án ấy, không cứ phá ngạch nào.

+) Sơ thẩm: Những việc dân sự hay thương sự về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 150đ nhưng dưới 450đ.

· Khi nào một bên nguyên cáo kiện một bên bị cáo mà cùng trong việc kiện có nhiều sự thỉnh cầu, nếu giá ngạch những sự thỉnh cầu cộng lại quá 450đ thì ông Thẩm phán sơ cấp không có thẩm quyền (điều thứ 7)

· Khi nào ông Thẩm phán sơ cấp thụ lý một việc kiện, nếu chiểu theo giá ngạch trong đơn trình, có quyền chung thẩm, mà lúc xét xử, lại nhận được đơn phản tố hay đơn xin đối khấu, thì tuy giá ngạch những đơn này có quá số chung thẩm, ông Thẩm phán sơ cấp đối với tất cả việc kiện cũng có quyền chung thẩm (điều thứ 8)

· Khi nhận được đơn kiện về dân sự hay thương sự, ông Thẩm phán sơ cấp phải đòi hai bên đến để thử làm hoà giải. Biên bản hoà giải có hiệu lực công chứng thư (điều thứ 9).

b) Toà án đệ nhị cấp có thẩm quyền:

· Về hình sự:

+ Chung thẩm: Những án vi cảnh của Toà án sơ cấp bị kháng cáo.

+ Sơ thẩm: Những việc tiểu binh và đại binh. Những việc tiểu binh là những việc có thể bị phạt tù từ 6 ngày đến 5 năm, hay phạt bạc trên 9đ.

· Về dân sự và thương sự:

+ Chung thẩm:

- Những án của Toà sơ cấp bị kháng cáo;

- Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 150đ;

- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 450đ nhưng dưới 750đ.

+ Sơ thẩm:

- Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự trên 150đ;

- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch trên 750đ;

- Những việc kiện không thể định trước được giá ngạch;

- Những việc kiện không cứ giá ngạch là bao nhiêu mà phải có án nghĩ về thẩm quyền;

- Những việc kiện có quan hệ đến thân phận hay căn cước của người, hoặc về vấn đề tế tự.

c. Toà thượng thẩm:

Xét xử những việc kháng cáo án sơ thẩm của các toà đệ nhị cấp.

Phòng luận tội toà thượng thẩm họp ít nhất mỗi tuần lễ một lần, để xét xử việc kháng cáo những mệnh lệnh của các ông dự thẩm.

2.1.4. Như vậy, từ sau ngày 13-9-1945 đến sau ngày 24-01-1946, ở nước ta đã có 3 loại Toà án: Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt, Toà án thường. Nhằm giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các Toà án này, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 43 ngày 3-4-1946 lập ở mỗi kỳ “một hội đồng phân định thẩm quyền giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường”. Cụ thể như sau:

· Trụ sở các Hội đồng được đặt tại Hà Nội, Thuận Hoá và Sài Gòn.

· Thành phần của Hội đồng gồm có:

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp hoặc người đại diện; Chủ tịch Uỷ ban hành chính kỳ làm chủ tịch;

- Chánh nhất toà Thượng thẩm và Chưởng lý toà Thượng thẩm làm thành viên;

- Một lục sự do ông Chưởng lý chỉ định giúp việc cho Hội đồng.

· Hội đồng có thẩm quyền phân định: Các việc phân tranh về thụ lý, về di lý giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường.

· Sắc lệnh cũng đã quy định cách thức giải quyết việc tranh chấp thẩm quyền giữa Toà án Quân sự, Toà án đặc biệt và Toà án thường.

2.1.5. Ngày 9-11-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Tại Chương VI bản Hiến pháp này quy định về “Cơ quan tư pháp”, theo đó Cơ quan tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gồm có: Toà án tối cao; các Toà án phúc thẩm; các Toà án đệ nhị cấp và sơ cấp (Điều 63). Cao viên Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm (Điều 64). Về các nguyên tắc xét xử gồm có: “Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc đại hình (Điều 65); Quốc dân thiểu số có quyền dùng tiếng nói của mình trước Toà án (Điều 66); các phiên Toà án đều phải công khai, trừ những trường hợp đặc biệt. Người bị cáo được quyền tự bào chữa lấy hoặc mượn Luật sư (Điều 67); trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều 69)”.

Tuy nhiên, thực dân pháp trở lại xâm lược nước ta lần nữa, chiến tranh nổ ra, toàn quốc kháng chiến, nên hệ thống Toà án chưa tổ chức được theo Hiến pháp 1946.

Để đáp ứng công tác xét xử trong hoàn cảnh kháng chiến ngày 29-12-1946 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông lệnh số 12/NV-CT về tổ chức Tư pháp trong tình thế đặc biệt. Bản Thông lệnh này cùng với bản Thông lệnh số 6/NV-CT ngày 28-12-1946 về tổ chức chính quyền trong thời kỳ đặc biệt là những cơ sở pháp lý để tổ chức và hoạt động của hệ thống Toà án trong thời kỳ kháng chiến được linh hoạt. Toàn văn Thông lệnh số 12/NV-CT như sau:

“1) Ở mỗi khu, Bộ trưởng Tư pháp sẽ đặt một giám đốc tư pháp để trông coi việc tư pháp trong khu và giúp ý kiến cho Uỷ ban bảo vệ khu. Uỷ ban này mỗi khi ra quyết định gì có liên can đến tư pháp, bắt buộc phải hỏi ý kiến của giám đốc tư pháp. Giám đốc tư pháp đặt dưới quyền kiểm soát của Uỷ ban bảo vệ khu và trong trường hợp không liên lạc được với trung ương, thì giám đốc tư pháp đặt dưới quyền điều khiển của Uỷ ban bảo vệ khu.

2) Uỷ ban bảo vệ khu có uỷ nhiệm để thi hành quyền công tố sau khi hỏi ý kiến giám đốc tư pháp. Các biện lý và công cáo uỷ viên đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Uỷ ban bảo vệ khu. Các Uỷ ban bảo vệ tỉnh, huyện (phủ hay châu) và xã không có quyền ra lệnh cho các Toà án. ở trường hợp không liên lạc được với nhau, thì Uỷ ban bảo vệ khu có thể tạm uỷ quyền cho Uỷ ban bảo vệ tỉnh để ra lệnh cho biện lý và công cáo uỷ-viên thuộc quản hạt Uỷ ban bảo vệ tỉnh sau khi nghe các ông này bày tỏ ý kiến. Khi liên lạc được thì Uỷ quyền ấy sẽ hết hiệu lực.

3) ở mỗi khu sẽ đặt một hay nhiều Toà án Quân sự. Các bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ có thể uỷ quyền cho Uỷ ban bảo vệ khu để lập các Toà án Quân sự.

4) Nếu có sự tương tranh giữa Toà-án quân-sự và Toà-án thường thì Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ khu, Chánh án Toà án quân sự và giám đốc tư pháp hợp thành hội đồng phân định thẩm quyền. Chủ tịch Hội đồng là chủ tịch Uỷ ban bảo vệ khu.

5) ở các Toà án thường, nếu tính thế bắt buộc, Chánh án sau khi thảo thuận với biện lý và Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ tỉnh, có thể xử một mình và việc hình và không cần có phụ thẩm nhân dân hay chuyên môn.

6) Nếu vì một lẽ gì, Toà án thường không thể tiếp công việc xử án được, việc xử những phạm pháp sẽ do quyết định của uỷ ban bảo vệ khu mà giao cho Toà án Quân sự . Còn xử các việc hộ hoặc thương mại sẽ đình chỉ, trừ những việc cấp tốc thì sẽ do hội thẩm chuyên môn Toà án Quân sự xét xử bằng mệnh lệnh.

Trong những trường hợp này, những thời hạn hình thức định trong các luật tố tụng hoặc trong các khế ước của tư nhân, cùng các thời hiệu sẽ tạm thời đình chỉ thi hành. Sau này, sắc lệnh sẽ định rõ điều kiện để tiếp tục thi hành các thời hạn.

Trái lại, nếu Toà án quân sự không thể tiếp tục công việc xử án được, thì Uỷ ban bảo vệ khu sẽ giao những việc thuộc thẩm quyền Toà án này cho Toà án thường.

7) Tuỳ theo tình thế, Bộ trưởng Tư pháp sẽ ra nghị định tạm đình chỉ công việc xử án của Toà TT* ở mỗi kỳ.

Trong trường hợp này:

Về việc tiểu hình và đại hình, can phạm vẫn có quyền kháng cáo trong thời hạn đã định nhưng các bản án sẽ cứ được tạm thi hành, trừ án xử tử thì phải theo thủ tục định ở Điều 8. Tuy nhiên, bị can nào đã ký kháng cáo có quyền đệ đơn xin hoãn thi hành để được tại ngoại, tên giám đốc tư pháp. Ông này sau khi đồng ý với Uỷ ban bảo vệ khu, sẽ quyết định hoặc bác, hoặc y đơn xin tại ngoại và nếu tuỳ theo trường hợp có thể bắt bị can ký quỹ một số tiền hay bất động sản. Về sau này khi toà thượng thẩm tiếp tục công việc thì can phạm nào đã kháng cáo, có thể xin toà thượng thẩm phúc lại các án đó.

b) Về việc hộ – Các mệnh lệnh cấp tốc sẽ được thi hành ngay dù có sự kháng cáo nào, người được kiện được phép của Toà án cho tạm thi hành. Trong trường hợp này Toà án có thể bắt người xin thi hành tạm ký quỹ một số tiền hoặc bất động sản.

8) Việc ân giảm và ân xá tội nhân trong tình thế đặc biệt đã quy định trong Sắc lệnh số 4-SL ngày 28-12-1946.

9) Các Toà án sơ cấp vẫn phải giữ đủ dù gặp tình thế nào. Tuy nhiên, nếu vì một lẽ gì mà khuyết một Thẩm phán sơ cấp, Uỷ ban bảo vệ khu sẽ cắt cử một Thẩm phán sơ thẩm để thay theo đề nghị của giám đốc tư pháp, và nếu không cử được Thẩm phán đó, thì sẽ giao U.B.H.C. huyện, phủ hay châu tạm làm công việc tư pháp theo Sắc lệnh 18-2-1946”.

2.1.6. Căn cứ vào Thông lệnh tổ chức tư pháp trong tình thế đặc biệt, ngày 01-01-1947, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 5-ĐB tạm đình chỉ công việc xử án của các Toà thượng thẩm, điều thứ nhất Nghị định nêu: “Tạm đình chỉ công việc xử án các toà Thượng thẩm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ cho đến khi có lệnh mới”.

Ngày 12-4-1947, Bộ Tư pháp ban hành Nghị định số 44-DB “thiết lập ở khu một Hội đồng phúc án”. Nghị định nêu rõ: “Nay thiết lập ở mỗi khu hay trong nhiều khu một Hội đồng phúc án (Điều 1)”; Hội đồng phúc án nói trên sẽ thay thế Toà Thượng thẩm kỳ để xét lại trong quản hạt, những việc thuộc thẩm quyền Toà Thượng thẩm (Điều 2); thành phần Hội đồng phúc án định như sau: Một Chánh Hội đồng; Hai Hội thẩm do Bộ Tư pháp chỉ định trong các Thẩm phán; hai Hội thẩm do Bộ Tư pháp chỉ định trong các Thẩm phán và Giám đốc Tư pháp; một thư ký do Giám đốc Tư pháp khu chỉ định, sẽ giữ chức phục sự; về hình sự cũng như dân sự, sẽ xử không có công tố viên; Trong những việc đại hình và tiểu hình, cách chỉ định phụ thẩm nhân dân sẽ theo pháp luật hiện hành ở trước các Toà Thượng thẩm (Điều 3). Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 61 DB ngày 9-5-1947 tổ chức các Hội đồng phúc án, quy định chi tiết thêm về quản hạt và nhiệm vụ của Hội đồng phúc án, thủ tục thi hành (thủ tục tố tụng- chú thích của Ban biên soạn) trước Hội đồng phúc án; các biệt lệ trong việc xét xử các vụ án hình sự, các vụ án dân sự.

Ngày 6-3-1948 Bộ Tư pháp ra Nghị định số 11-MT (sau đó là Nghị định số 20 MT ngày 24-5-1948 bãi bỏ Nghị định 11-MT) quy định lập Công tố viên tại Hội đồng phúc án.

2.1.7. Ngày 26-5-1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 185-SL ấn định thẩm quyền các Toà án sơ cấp và đệ nhị cấp theo hướng tăng thẩm quyền cho các Toà án này so với Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946. Sắc lệnh nêu rõ: Tạm thời trong thời kỳ chiến tranh, thẩm quyền của Toà án sơ cấp và đệ nhị cấp ấn định như sau:

a) Toà án sơ cấp có thẩm quyền:

· Về hình sự:

+ Chung thẩm

- Những án vi cảnh phạt bạc từ 5đ đến 30đ.

- Những việc đòi bồi thường từ 300đ trở xuống do nguyên cáo bị thiệt hại, trong một vụ vi cảnh thỉnh cầu trong đơn khiếu hay chậm nhất lúc việc vi cảnh đem ra phiên toà xử.

+ Sơ thẩm

- Những án vi cảnh phạt giam từ 1 đến 5 ngày.

- Những việc đòi bồi thường quá 300đ mà nguyên đơn thỉnh cầu trong đơn khiếu hay ở phiên toà.

· Về dân sự và thương sự

+ Chung thẩm:

- Những việc kiện và động sản mà giá ngạch do nguyên đơn không quá 300đ.

- Những việc kiện về các khoản lệ phí đã phát sinh ra trước Toà án ấy không cứ giá ngạch nào.

+ Sơ thẩm:

- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn trên 300đ, nhưng không quá 1.500đ

- Những việc liên can đến hộ tịch (việc xin khai sinh , tù giá thú quá hạn, xin sửa chữa giấy khai sinh, tử, giá thú.v.v...).

- Trường hợp Toà án sơ cấp mất liên lạc với Toà án đệ nhị cấp.

+ Nếu vì tình thế chiến tranh, việc giao thông gián đoạn, mà một toà sơ cấp bị mất liên lạc với toà đệ nhị cấp thì Chủ tịch UBKCHC huyện và Thẩm phán sơ cấp sẽ ra quyết định nhận định tình thế ấy. Quyết định này sẽ tạm thi hành song phải báo cáo ngay lên tỉnh để Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh và Biện lý Toà án đệ nhi cấp chuẩn y.

+ Trong trưởng hợp mất liên lạc có quyết nghị nhận định như nói ở điều 4 thì Toà án sơ cấp có thẩm quyền đặt biệt sau đây:

+ Về phương diện tư pháp công an, Thẩm phán sơ cấp có quyền, sau khi hỏi ý kiến Chủ tịch UBKCHC huyện quyết định giam cứu bị can đến 45 ngày nếu là việc tiểu hình, hoặc đến 4 tháng nếu là việc đại hình. Hạn giam cứu ấy không thể gia thêm được khi hết hạn, tự nhiên bị can phải được tha ngay.

Nếu Toà án sơ cấp lại liên lạc được với Toà đệ nhị cấp thì Thẩm phán sơ cấp phải báo cáo ngay lên ông Biện lý để ông này quyết định về việc giam cứu.

+ Các án xử sơ thẩm của toà sơ cấp về hình sự (án phạt giam, án xử các việc đòi bồi thường trên 300đ) sẽ tạm thi hành mặc dầu có sự kháng cáo của bị can hay của dân sự nguyên cáo.

+ Về dân sự, Thẩm phán sơ cấp có quyền ra mệnh lệnh quyết định các phương pháp bảo thủ khẩn cấp không có giới hạn nào.

+ Khi Toà sơ cấp lại liên lạc được với toà đệ nhị cấp thì Chủ tịch UBKC huyện và Thẩm phán sơ cấp ra quyết nghị nhận định tình thế ấy.

Khi ấy thẩm quyền đặc biệt của Toà án sơ cấp sẽ hết.

Các việc mà Thẩm phán sơ cấp đã làm trong tình thế mất liên lạc phải báo cáo lên toà đệ nhị cấp đã chuẩn y. Các án sơ thẩm về hình sự sẽ không làm thi hành nữa, trong khi chờ đời Toà án cấp trên xét xử việc kháng cáo.

b) Toà án đệ nhị cấp có thẩm quyền.

- Về hình sự:

+ Chung thẩm:

- Những án vi cảnh của Toà án sơ cấp bị kháng cáo.

- Những án xử bồi thường của Toà án sơ cấp bị kháng cáo.

+ Sơ thẩm:

Những việc tiểu hình hay đại hình.

· Về dân sự và thường sự:

+ Chung thẩm:

- Những án của Toà án sơ cấp bị kháng cáo.

- Những việc kiện về bất động sản mà giá ngạch theo thời giá hôm khởi tố hay theo văn tự không quá 300đ.

+ Sơ thẩm:

- Những việc kiện về động sản mà giá ngạch do nguyên đơn định trên 4.500đ.

- Những việc kiện không thể định giá ngạch.

- Những việc kiện không cứ giá ngạch nào, mà phải có án nghị về thẩm quyền.

- Những việc kiện quan hệ đến thân phận hay căn cứ của người (trừ các việc hộ tịch) hoặc về vấn đề tế tự.

2.2. Thiết lập hệ thống Toà án binh

2.2.1. Ngày 23-8-1946 Chính phủ ra Sắc lệnh số 163 tổ chức Toà án binh lâm thời đặt ở Hà Nội:

“Điều thứ nhất. - Trong khi chờ đợi Sắc lệnh tổ chức của Toà án binh chính thức được ban hành, nay lập một Toà án binh lâm thời trụ sở đặt ở Hà Nội”.

Điều thứ 2. - Toà án binh lâm thời có thẩm quyền xét xử

- Các quản nhân phạm pháp bất cứ về một tội gì, trừ những tội vi cảnh thuộc thẩm quyền các Toà án tư pháp và những “thường tội” định ở điều thứ 49 Sắc lệnh số 71 ngày 22 tháng 5 năm 1945 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội;

- Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người làm việc trong quân đội như công nhân, chủ thầu, khi phạm pháp có liên can đến quân đội;

- Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, quân y viện, nhà đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội, hoặc phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.

Điều thứ 3. - Nếu một người ngoài quân đội đồng thời phải truy tố trước Toà án binh lâm thời vì một tội thuộc thẩm quyền Toà án ấy và trước một Toà án tư pháp hoặc quân sự vì một tội thuộc thẩm quyền các Toà án ấy, thì phải do Toà án binh lâm thời xét xử trước.

Trừ những trường hợp Toà án tư pháp tuyên án phạt tiền hoặc phạt bồi thường, nếu bị can phải cả hai toà cùng phạt thì hắn chỉ phải chịu hình phạt nặng nhất mà thôi.

Điều thứ 4. - Gặp trường hợp nhiều người cùng bị can về một tội mà trong đó có cả quân nhân cả thường dân, thì việc đó sẽ do Toà án binh lâm thời xét xử.

Điều 5. - Toà án binh lâm thời gồm có:

- Một Chánh án và 2 hội thẩm ngồi xử,

- Một Uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội (viên này kiêm công việc dự thẩm);

Một lục sự ngồi chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Chánh án là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy hoặc một nhân viên cao cấp Bộ Quốc phòng do Nghị định Bộ trưởng bộ Quốc phòng bổ nhiệm. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có thể thoả hiệp với Bộ trưởng Bộ Tư pháp để bộ này cử một Thẩm phán cao cấp sung chức Chánh án.

Hội thẩm thứ nhất là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Hội thẩm thứ hai là một Thẩm phán ngạch tư pháp, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã hiệp ý với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Uỷ viên Chính phủ là một quân nhân hoặc một nhân viên Bộ Quốc phòng, do Nghị định bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định, theo đề nghị của quân pháp Cục trưởng.

Lục sự cũng do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ định trong các quân nhân thuộc cấp chỉ huy.

Mỗi khi ký nghị định bổ nhiệm một thẩm phán Toà án binh lâm thời. Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ cử một người chính thức và một người dự khuyết.

...

Điều 15. - Sắc lệnh này sẽ tự nhiên bãi bỏ sau khi Sắc lệnh Tổ chức các Toà án binh chính thức được ban hành....”

* Ngày 16-2-1947, Chính phủ ra Sắc lệnh số 19-SL Tổ chức các Toà án binh khu trên toàn cõi Việt Nam (trừ các Toà án binh tại mặt trận):

“Điều thứ 2 - Ở mỗi khu sẽ đặt một Toà án binh. Nhưng nếu xét cần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký Nghị định lập thêm trong khu một hay nhiều Toà án binh ở những nơi quân đội đóng.

*Điều thứ 3. - Mỗi Toà án binh gồm có:

- Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử;

- Một Uỷ viên Chính phủ ngồi buộc tội;

- Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Chánh án là khu trưởng hoặc một quân nhân từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, do khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp ngạch tư pháp do Giám đốc tư pháp khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Hội thẩm thứ hai là một quân nhân thuộc cấp chỉ huy do khu trưởng đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Uỷ viên Chính phủ là chính trị viên khu hoặc một quân nhân thuộc cấp chính trị viên trong đoàn trở lên do chính trị viên khu đề cử và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuẩn y.

Lục sự là một quân nhân do khu trưởng chỉ định.

Đối với mỗi chức vụ kể trên, sẽ cử một nhân viên chính thức và một nhân viên dự khuyết thay nhân viên chính thức khi mắc bận.

*Điều thứ 4.- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể uỷ cho Uỷ Ban kháng chiến khu quyền lập Toà án binh ở hậu phương, hoặc quyền chuẩn y việc cử các nhân viên, hoặc cá nhân quyền ấy.

*Điều 5. - Toà án binh khu có thẩm quyền xét xử những quân nhân phạm vào:

a) Một hay nhiều tội định ở hình luật chung, theo những hình phạt định ở trong ấy;

b) Một hay nhiều tội có tính cách nhà binh định ở điều thứ 7 Sắc lệnh số 163 ngày 23-8-1946, theo những hình phạt định ở điều ấy....”

* Ngày 25-4-1947 Chính phủ ra Sắc lệnh số 45 quy định tổ chức và hoạt động của Toà án binh tối cao.

Điều 1: “Nay đặt một Toà án binh tối cao, quản hạt là toàn cõi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Điều 2: “Toà án binh tối cao gồm có:

- Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử.

- Một uỷ viên Chính phủ đứng buộc tội.

- Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Chánh án là một quân nhân hoặc một nhân viên cao cấp Bộ Quốc phòng, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Hội thẩm thứ nhất là một Thẩm phán đệ nhị cấp, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm sau khi đã y hiệp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hội thẩm thứ hai là một quân nhân ngang cấp hoặc thuộc cấp trên đối với bị can, do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Ủy viên Chính phủ và lục sự đều là quân nhân thuộc cấp chỉ huy hoặc nhân viên Bộ Quốc phòng do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Điều 3: Tòa án binh Tối cao có thẩm quyền xét xử các quân nhân từ cấp trung đoàn trưởng trở lên phạm vào:

- Một hay nhiều tội định ở hình luật chung theo những hình phạt định ở trong ấy;

- Một hay nhiều tội có tính cách nhà binh, định ở điều thứ 7, sắc lệnh số 163 ngày 23-8-1946, theo những hình phạt định ở điều ấy....”

* Ngày 5-7-1947 Chính phủ ra Sắc lệnh số 59 thành lập Tòa án binh khu Trung ương.

Điều 1: “Nay đặt tại Bộ Quốc phòng một Tòa án binh gọi là: Tòa án binh khu Trung ương”.

Điều 2: “Tòa án binh khu Trung ương gồm có:

- Một Chánh án ngồi xử;

- Một nhân viên Bộ Quốc phòng và một nhân viên Bộ Tổng chỉ huy - Hội thẩm;

- Một Ủy viên Chính phủ đứng buộc tội;

- Một lục sự chép các điều tranh luận, giữ án từ và giấy má.

Các nhân viên kể trên đều do Nghị định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm.

Hội thẩm Bộ Tổng chỉ huy đề cử, sẽ do Nghị định ông Tổng chỉ huy bổ nhiệm.

Điều 3: Tòa án binh khu Trung ương có thẩm quyền xét xử các nhân viên phạm pháp thuộc các Cơ quan Trung ương của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, kể cả các Trung đoàn trưởng trở lên.

Tuy nhiên, thẩm quyền đối với các nhân viên không phải là quân nhân, chỉ thi hành trong thời kỳ chiến tranh....”

2.2.2. Để kịp thời trừng trị những tội phạm xảy ra tại những nơi đang có chiến sự, liên bộ Quốc phòng- Tư pháp đã ra Thông lệnh liên bộ số 11-NV-CT ngày 28-12-1946, số 32-TL-ĐB ngày 16-2-1947 và số 60- TT ngày 23-5-1947 về thiết lập Tòa án binh tại mặt trận. Theo đó:

“a- Ở một địa điểm đương tác chiến, có thể lập một Tòa án binh tại mặt trận, do quyết định của viên chỉ huy mặt trận từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, hoặc quyết định của một cấp dưới đã được Ủy quyền của trung đoàn trưởng.

 b- Tòa án binh tại mặt trận gồm có:

- Một Chánh án và hai Hội thẩm ngồi xử.

- Một quân nhân giữ bút lục.

Chánh án là viên chỉ huy quân sự ở khu vực đương tác chiến, thuộc cấp Trung đoàn trưởng trở lên (hoặc người thay mặt).

Hội thẩm là một chính trị viên và một quân nhân nơi xảy ra việc phạm pháp.

 c- Tòa án binh tại mặt trận có thẩm quyền xét xử những người thuộc bất cứ hạng nào quả tang phạm vào, ở những địa điểm đương tác chiến, một trong những tội sau này:

- Phản quốc.

- Gián điệp.

- Cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng.

Tòa án binh tại mặt trận có quyền tuyên án đến tử hình.

 d- Mỗi khi xảy ra việc phạm pháp thuộc loại trên, Tòa án binh tại mặt trận sẽ họp để xử ngay và bản án sẽ được thi hành ngay. Nhưng phải gửi báo cáo và hồ sơ lên Bộ Quốc phòng (Quân pháp cục) qua khu  trưởng....”.

2.2.3. Như vậy, trước ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), trên Toàn lãnh thổ Việt Nam, chỉ có một Tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội được tổ chức theo Sắc lệnh 163 ngày 23-8-1946. Nhưng sau đó chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh (Sắc lệnh 163 tự hết hiệu lực) và thông lệnh tổ chức các Tòa án binh mới:

- Sắc lệnh số 19- SL ngày 14-2-1947 tổ chức các Tòa án binh khu trên Toàn cõi Việt Nam;

- Sắc lệnh số 45- SL ngày 25-4-1947 Tổ chức Tòa án binh tối cao;

- Sắc lệnh số 59- SL ngày 5-7-1947 tổ chức Tòa án binh khu Trung ương.

- Thông lệnh liên bộ Quốc phòng- Tư pháp số 60- TL ngày 28-5-1947 tổ chức Tòa án binh tại mặt trận.

Thông tư số 64 TT ngày 6-8-1947 về phân biệt Tòa án binh và Tòa án Quân sự của Bộ Quốc phòng, nêu rõ:

“... Tòa án Quân sự có quyền xử tất cả mọi người phạm tội có tính cách chính trị, chỉ trừ khi người phạm tội là binh sĩ thì để thuộc quyền Tòa án binh xử.

b) Tòa án binh thì có quyền xét xử tất cả quân nhân phạm pháp dù họ phạm vào các tội có tính cách nhà binh hay các tội định trong hình luật chung.

Nên để ý trong sắc lệnh nói rõ là quân nhân nghĩa là những người tuyển theo quy tắc quân đội Quốc gia. Còn các đội cảnh vệ, công an.v.v... thuộc hành chính thì vẫn thuộc quyền Tòa án tư pháp hoặc Tòa án quân sự tuỳ trường hợp. Tòa án binh còn có quyền xét xử những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, hoặc những người phạm pháp trong các đồn trại của quân đội và các cơ quan quốc phòng hoặc làm hại trực tiếp đến bộ đội.

Tòa án Binh khu Trung ương thì xử các quân nhân hoặc nhân viên thuộc bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy kể cả từ cấp trung đoàn trưởng trở lên, nghĩa là tất cả các cấp.

Tuy nhiên, thẩm quyền cao Tòa án binh khác nhau tuỳ theo cấp: Tòa án binh khu có thẩm quyền đối với các binh sĩ từ trung đoàn phó, tiểu đoàn trưởng trở xuống, còn các cấp chỉ huy từ trung đoàn trưởng trở lên thuộc thẩm quyền Tòa án binh tối cao.

Trên đây là lệ chung, nhưng cũng có vài biệt lệ cần chú ý:

1) Tòa án binh tại mặt trận có quyền xét xử “những người thuộc bất cứ hạng nào”, quân nhân hay thường dân ở những địa điểm đương tác chiến, quả tang phạm tội phản quốc, gián điệp hoặc cướp bóc, nhũng nhiễu dân chúng.

2) Nếu trong một vụ phạm pháp có cả quân nhân, cả thường dân, việc ấy sẽ do Tòa án binh hoặc Tòa án Quân sự xét xử tuỳ theo trường hợp và tính cách việc phạm pháp (Sắc lệnh số 19-SL ngày 16-02-1947 điều thứ 7).

Tùy theo trường hợp, ví dụ như trong một khu kia, nhân viên Tòa án binh đang bận về công việc tá chiến, có thể giao cho Tòa án Quân sự xét xử một việc phạm pháp trong đó có cả quân nhân, cả thường dân.

Tuỳ theo tính cách việc phạm pháp: Gặp một vụ phạm pháp trong đó có cả quân nhân, cả thường dân, mà có tính cách chính trị (ví dụ: Âm mưu chống lại Chính phủ) tất cả các kẻ can phạm có thể giao sang Tòa án Quân sự xét xử; trái lại nếu việc phạm pháp có tính cách binh bị (ví dụ: Phá hoại một Cơ quan Quốc phòng việc ấy sẽ để thuộc thẩm quyền Tòa án binh).

Xem như trên, có thể nói rằng: “Tòa án binh có tính cách binh bị, Tòa án Quân sự có tính cách chính trị””

-Tòa án binh thuộc quyền quản trị (quản lý về mặt tổ chức) của khu quân sự. Về chuyên môn thuộc quản lý của lục quân pháp Bộ Quốc phòng.

2.3. Hoàn thiện hệ thống Tòa án Quân sự

· Ngày 14-02-1946, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 21 về tổ chức các Tòa án Quân sự, Sắc lệnh này bãi bỏ các Sắc lệnh về Tòa án Quân sự: SL ngày 13-9-1945, ngày 26-9-1945, 29-9-1945, 28-12-1945, 15-01-1946. Để hướng dẫn thi hành Sắc lệnh số 21 nêu trên, Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị định số 82 ngày 25-02-1946. Ngày 8-02-1948, bộ Tư pháp ra Thông tư số 28/HC định thẩm quyền của Tòa án Quân sự. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 170-SL ngày 14-4-1948 tổ chức lại các Tòa án Quân sự.

· Các văn bản nêu trên đã quy định rõ tổ chức các Tòa án Quân sự, thủ tục tố tụng trước Tòa án Quân sự, thẩm quyền của các Tòa án Quân sự. Theo đó:

+ Chánh án các Tòa án Quân sự được lựa chọn từ các Ủy viên Ủy ban hành chính kháng chiến liên khu hay tỉnh chứ không phải là quân nhân như trước đó.

+ Thủ tục tố tụng được quy định cụ thể về thụ lý, điều tra, trình tự phiên Tòa tại các Tòa án Quân sự.

+ Về thẩm quyền, Tòa án Quân sự xét xử các vụ án: Phản quốc, gián điệp, làm tay sai cho địch (dẫn đường, tiếp tế, thông tin cho địch), làm việc với địch (đi lính, hội tề v.v...) làm hại đến cuộc kháng chiến, phá hủy các công tác phòng thủ, các vũ khí làm thiệt hại cho quân đội, tuyên truyền chống lại cuộc kháng chiến, âm mưu khuynh đảo chính phủ, âm mưu lập nền quân chủ v.v...

2.4. Giải thể  Tòa án đặc biệt.

Ngày 18-12-1949, Chính phủ ra Sắc lệnh số 138-B/SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Điều 1 Sắc lệnh quy định: “Nay bãi bỏ Sắc lệnh số 64 ngày 23-11-1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt”. Như vậy, Sắc lệnh này đã giải thể Tòa án đặc biệt được thành lập theo Sắc lệnh 64 ngày 23-11-1945.

3. Tòa án trong giai đoạn cải cách tư pháp 1950 đến 1958.

Như vậy, sau gần 5 năm kể từ ngày giành được chính quyền, chúng ta đã bãi bỏ bộ máy tư pháp của chế độ chính quyền, thực dân, phong kiến, thiết lập những Tòa án mới, trong đó có Tòa án Quân sự và Tòa án binh. Tuy nhiên, các Tòa án thường còn mang nặng những ảnh hưởng của nền tư pháp cũ. Thực hiện một cách máy móc “Tòa án tư pháp sẽ độc lập với các Cơ quan hành chính” (Điều 42 Sắc lệnh số 13 ngày 24-01-1946). “Vậy các Tòa án trong thời kỳ kháng chiến vấn độc lập với Ủy ban hành chính. Ủy ban này không có quyền kiểm soát, điều khiển các Tòa án. Các Thẩm phán không phải báo cáo với Ủy ban hành chính”. (Thông tư số 693 ngày 25-9-1947 của Bộ Tư pháp).

Mặc dầu Sắc lệnh số 47 ngày 10-10-1945 cho giữ tạm thời các luật lệ cũ đã chỉ rõ ràng “những điều khoản trong luật lệ cũ được tạm giữ lại do Sắc lệnh này chỉ thi hành khi nào không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”. Và Thông tư số 34-NV-TP/CT ngày 7-01-1947 của liên Bộ Nội vụ- Tư pháp cũng đã chỉ rõ: “Các Thẩm phán phải làm việc với tinh thần chiến đấu, nêu cao gương hy sinh và xung phong cho dân chúng theo, nên hết sức gần dân, săn sóc đến dân, đi đến dân chứ không đợi dân đi đến mình”.

Nhưng nhiều Thẩm phán trong các Tòa án thường lúc đó đã không chú ý vận dụng các chính sách của Chính phủ vào công tác xét xử và đã hiểu “độc lập” là “biệt lập”, tức là Tòa án không chịu sự lãnh đạo của Đảng, không cần phải phối hợp với Ủy ban hành chính, cơ quan công an và đoàn thể nhân dân trong việc bảo vệ chế độ. Tình hình này đã là một trở ngại cho việc phát huy sức mạnh của Nhà nước, cho nên Đảng ta đã lần lượt tiến hành một cuộc đấu tranh về tư tưởng và sau đó là cải cách bộ máy của Tòa án.

· Trước hết là Sắc lệnh số 85 ngày 22-5-1950.

+ Về tổ chức: - Bộ máy tư pháp được dân chủ hoá các Tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh. Hội đồng phúc án nay là Tòa Phúc thẩm phụ thẩm nhân dân nay gọi là hội thẩm nhân dân.

- Thành phần nhân dân được đa số trong việc xét xử: Để xét xử việc hình và hộ, Tòa án nhân dân huyện và tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân. Tòa Phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết.

- Thành lập hội đồng hoá giải tại mỗi huyện nhằm mục đích giao cho nhân dân trực tiếp phụ trách việc hoá giải tất cả các việc hộ kể cả việc ly dị mà từ trước tới nay chỉ có Chánh án Tòa án tỉnh mới có thẩm quyền. Biên bản hòa giải thành có chấp hành lực. Đây là một điểm tiến bộ so với thế hệ cũ. Khi các đương sự đã thoả thuận trước hội đồng hoá giải thì việc hòa giải được đem thi hành ngay.

- Áo chùng đen của Thẩm phán và luật sư nay bỏ đi.

+ Về thẩm quyền:

- Tăng thẩm quyền cho ban tư pháp xã về việc phạt vi cảnh để làm cho một số việc ít quan trọng về mặt trị an sẽ được giải quyết mau chóng ngay tại xã.

- Giao cho các Tòa án nhân dân huyện quyền ấn định các phương pháp bảo thủ, dù việc xử kiện không thuộc thẩm quyền Tòa án nhân dân huyện để tránh cho đương sự khỏi phải tốn phí đi lên Tòa án tỉnh và những việc cấp bách có thể được giải quyết mau chóng hơn.

+ Về tố tụng: Thủ tục tố tụng được hợp lý và giản dị hơn.

- Trái với quan niệm cũ cho rằng việc hộ thường chỉ có lợi hoặc có hại riêng cho tư nhân mà xã hội không cần can thiệp đến, thì nay công tố viên có quyền kháng cáo các án hộ nếu xét ra cần thiết.

- Theo Sắc lệnh số 51 ngày 17-4-1946, biện lý bắt buộc phải đưa sang phòng dự thẩm để thẩm cứu một số việc hình dù rằng xét ra không cần thiết. Nay biện lý chỉ giao sang phòng dự thẩm khi xét thật cần thiết. Nay biện lý chỉ giao sang phòng dự thẩm khi xét thật cần thiết mà thôi.

- Trước đây mỗi khi thủ tục tố tụng không được theo đúng thì bị tiêu hủy dù không có hại cho việc thẩm cứu, hoặc cho quyền lợi của đương sự. Nay coi điều đó là quá câu nệ về hình thức không còn hợp thời nữa.

- Từ nay người bị thiệt hại về một vụ phạm pháp có thể xin kháng cáo không những để tăng tiền bồi thường mà còn để tăng hình phạt nữa.

- Việc chấp hành án nay giao cho Thẩm phán huyện phụ trách.

Tóm lại, việc cải cách rõ ràng có mục đích tăng thành phần nhân dân tham gia công tác tư pháp làm nhẹ bộ máy tư pháp để công việc xét xử được nhanh chóng và gần dân hơn.

Cùng trong năm 1950, ngày 5-6 Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 103-SL quy định “Ủy ban kháng chiến hành chính các cấp có nhiệm vụ lãnh đạo và điều khiển các ngành chuyên môn cấp tương đương trong đó có ngành Tư pháp bao gồm cả Công tố và Tòa án” (điều 1) và Thông tư số 21-TTg ngày 7-6-1950 của Thủ tướng phủ giải thích việc thi hành Sắc lệnh trên như sau:

“...

IV- Những điểm đặc biệt đối với tư pháp Bộ Tư pháp sẽ có thông tư riêng quy định chi tiết quyền điều khiển của Ủy ban đối với Ngành Tư pháp. Sau đây là những nguyên tắc chính:

1. Đối với Công tố viên, Ủy ban các cấp điều khiển Công tố viên trong địa bàn mình trước các Tòa án thường cũng như trước các Tòa án đặc biệt. Như thế nghĩa là Ủy ban kháng chiến hành chính có thể ra mệnh lệnh cho ngành công tố. Đại diện ngành này phải tuân theo mệnh lệnh của Ủy ban, có thể là mệnh lệnh chung về đường lối công tố trong một thời gian nhất định, cũng có thể là mệnh lệnh riêng về từng việc (trừ Tòa án binh có hệ thống riêng).

2. Đối với các ngành xử án. Ủy ban có thể vạch đường lối cho từng thời kỳ nhất định và đặc biệt và có thể vạch đường lối cho một vụ án xét thấy quan trọng. Tuy nhiên, Tòa án có thể xử khác nhưng phải nói lý do. Ủy ban có thể giao Công tố viên kháng cáo lên Tòa án trên”.

Những quy định này xuất phát từ tình hình đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến là: Trong khi liên lạc với Chính phủ Trung ương hoặc cấp trên có nhiều khó khăn thì Ủy ban kháng chiến hành chính là cơ quan quyền lực của địa phương, trong điều kiện Hội đồng nhân dân không họp được, và cũng là cơ quan được Hội đồng Chính phủ giao cho chỉ đạo mọi mặt kháng chiến của địa phương.

Với yêu cầu là dân chủ hoá và tăng cường các Tòa án, Sắc lệnh số 158-SL ngày 17-11-1950 đã quy định đưa cán bộ công nông có thành tích và có kinh nghiêm vào làm Thẩm phán mà không đòi hỏi phải có bằng cấp về luật học. Sắc luật này đã tạo điều kiện cho việc nhanh chóng tăng cường cho các Tòa án nhân dân một đội ngũ cán bộ có quan điểm lập trường cách mạng trong công tác, làm nòng cốt để xây dựng các Tòa án trở thành những Tòa án thực sự của nhân dân.

Trên cơ sở các Tòa án được tăng cường cán bộ cách mạng, Sắc lệnh số 156-SL ngày 22-11-1950 đã quy định việc thành lập Tòa án nhân dân liên khu và giao cho các Tòa án đó quyền xử cả những tội phản cách mạng. Từ đó, các Tòa án Quân sự đã được nhập vào hệ thống Tòa án thường và các cán bộ của Tòa án Quân sự lại được tăng cường cho Tòa án nhân dân liên khu.

Về tổ chức bào chữa (Luật sư và bào chữa viên nhân dân). Dưới chế độ dân chủ nhân dân quyền bào chữa là một quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của người công nhân.

Trong nền tư pháp dân chủ nhân dân của ta, chế độ bào chữa được coi là một chế độ trọng yếu trong tố tụng, vì nó giúp cho công tác xét xử tiến hành được toàn diện, khách quan, chính xác, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người bị cáo, đồng thời bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Bào chữa là một bộ phận cần thiết trong công tác xét xử, cho nên ngoài tổ chức Luật sư đã được Sắc lệnh ngày 10-10-1945 duy trì với một số điểm sửa đổi cho thích hợp với tình hình mới, Sắc lệnh số 69 ngày 18-6-1949 và Sắc lệnh số 144 ngày 22-12-1949 đã mở rộng tổ chức bào chữa, cho phép những nguyên cáo, bị cáo và bị can có thể nhờ một công dân không phải là Luật sư bênh vực cho mình trước các Tòa xử việc bộ và thương mại trước Tòa án thường và đặc biệt xử việc tiểu hình, đại hình, trừ Tòa án binh tại mặt trận. Công dân đó phải được ông Chánh án thừa nhận (điều 1).

Nếu bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án có thể tự mình hay theo lời yêu cầu của bị can cử một người ra bào chữa cho bị can (điều 2).

· Để “tranh chấp chính quyền với địch trong vùng bị chiếm, thi hành luật pháp chính quyền nhân dân trong vùng bị chiếm để bảo vệ nhân dân và trừng trị ngụy quyền”, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh số 157-SL ngày 17-11-1950 tổ chức Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm đóng, mà theo đó trong những vùng tạm bị địch chiếm đóng có thể thiết lập một Tòa án gọi là Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm. Quản hạt Tòa án này có thể là một tỉnh, một số huyện trong một tỉnh, hay một số xã trong một huyện hay trong nhiều huyện (Điều 1). Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm có thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án quân sự. Các bản án đều được thi hành ngay. Về việc binh và hộ, Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Tòa án nhân dân tỉnh. Nếu quản hạt của Tòa án nhân dân vùng bị tạm chiếm là một tỉnh thì trực thuộc quyền điều khiển của Tòa án nhân dân liên khu hoặc Tòa phúc thẩm. Về việc xét xử các việc thuộc thẩm quyền Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của Tòa án quân sự liên khu và Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu. Nếu có Tòa án nhân dân liên khu thì thuộc quyền điều khiển của Tòa án này.

· Thực hiện nhiệm vụ phản phong của cách mạng dân tộc dân chủ, Sắc lệnh số 149 ngày 12-4-1953 đã quy định về chính sách ruộng đất để tiến hành việc phát động quân chủng cải cách ruộng đất. Để bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất. Để bảo đảm việc thi hành chính sách ruộng đất, giữ gìn trật tự xã hội, củng cố chính quyền nhân dân, đẩy kháng chiến đến thắng lợi. Sắc lệnh số 150 ngày 12-4-1953 đã thành lập các Tòa án nhân dân đặc biệt ở những vùng phát động quần chúng để cải cách ruộng đất. Nhiệm vụ của các Tòa án nhân dân đặc biệt là: Trừng trị những kẻ phản cách mạng, cường hào gian ác, những kẻ chống lại hoặc phá hoại chính sách cải cách ruộng đất; xét xử những vụ tranh chấp về tài sản, ruộng đất có liên quan đến các vụ án trên; xét xử những vụ tranh cãi về phân định thành phần giai cấp.

Các Tòa án nhân dân đặc biệt không xử những vụ hình và hộ thuộc Tòa án nhân dân thường.

Những vụ án phản cách mạng phức tạp và phải xét xử lâu dài thì do Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu quyết định chuyển sang Tòa án nhân dân thường xét xử.

Các Thẩm phán của các Tòa án nhân dân đặc biệt chủ yếu là trung, bần, cố nông trong đó có cán bộ chính trị làm chủ chốt. Một nửa số Thẩm phán do Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh lựa chọn, một nửa nữa do Nông hội huyện cử ra. Khi làm xong nhiệm vụ thì các Tòa án nhân dân đặc biệt giải tán.

Đánh giá giai đoạn phát triển về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1959, chúng ta thấy giai đoạn này được chia thành hai bước: bước một từ năm 1945 đến năm 1949. Trong bước này chúng ta đã hoàn toàn bãi bỏ Tòa án của chế độ thực dân phong kiến, thiết lập những Tòa án nhân dân mới, trong đó có Tòa án quân sự đã đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp mạnh mẽ bọn phản cách mạng. Tuy nhiên, các Tòa án “thường” thì còn mang nặng ảnh hưởng của tư tưởng pháp lý tư sản, do những điều kiện khách quan và chủ quan trong thời gian này, đặc biệt chúng ta vừa thiếu cán bộ vừa thiếu kinh nghiệm tư pháp; Bước thứ hai từ năm 1950 đến năm 1958. Trong bước này đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức và chuyên môn của Tòa án nhân dân, tính nhân dân của Tòa án nhân dân được thể hiện rõ nét cả trong tổ chức và trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, trong bước này quá nhấn mạnh tính cách mạng, tính nhân dân, cho nên nhiều cán bộ Tòa án không được đào tạo về luật và do đó phần nào có hạn chế trong công tác chuyên môn.

4. Về hoạt động của các Tòa án trong những năm 1945 đến 1958 chúng ta có thể thấy:

· Trong những ngày trước ngày Toàn quốc kháng chiến các Tòa án Quân sự đã trấn áp nhiều phần tử cách mạng như đã tuyên xử tử hình tên quản Dưỡng phạm tội bắt vào đoàn nhân dân đi biểu tình ở tỉnh Hà Đông; trừng trị bọn phản động Quốc dân Đảng, Đại việt duy tân đã gây ra nhiều vụ tống tiền, ám sát, gây bạo loạn (ở Vĩnh Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai...), phá đê sông Cà Lồ (Phúc Yên) điển hình là vụ chôn sống người ở phố Ôn Như Hầu (Hà Nội); vụ âm mưu phá cầu Chim Sơn (Quảng Nam) lật đổ chuyến xe lửa chở bộ đội Nam tiến; vụ Nguyễn Tiến Lãng, một viên quan cao cấp trong triều đình Huế, con nuôi của tên thực dân cáo gà Rơ-nê Rô-banh, Thống sứ Bắc Kỳ v.v...

· Từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) trở về sau, các Tòa án Quân sự và Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực chống những âm mưu đen tối của thực dân Pháp “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, tăng cường chiến tranh gián điệp, tăng cường nội gián, biệt kích, xúc tiến việc đưa những tên phản động nhất trong hàng giáo đạo thiên chúa, trong các đảng phái phản động (Quốc dân Đảng, Đại Việt), trong giai cấp địa chủ vào nắm bộ máy ngụy quân, ngụy quyền hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến, phục hồi lại chính quyền thực dân, phong kiến. Các Tòa án đã hoạt động lưu động khắp nơi ở hậu phương, ở tiền tuyến, nhiều khi ở sát vị trí của địch và cả trong những vùng du kích và căn cứ du kích nằm sâu trong lòng địch ở Nam Bộ, ở Bình Trị Thiên ở liên khu 5 và vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều phiên Tòa đã được tổ chức ngay tại xã, thôn, xóm có hàng ngàn người tham dự; đã đưa ra xét xử và nghiêm trị bọn việt gian phản động, bọn gián điệp, bọn phản động bị lợi dụng tôn giáo để hoạt động phá hoại như vụ gián điệp Hưng Yên (Nghệ An), Phát Diệm, Châu Sơn (Ninh Bình), Tang Điện, Hạ Trại (Nam Định), Sơn Hà (Tây Nguyên) v.v...

Đặc biệt các Tòa án nhân dân vùng tạm chiếm đã góp phần bảo vệ chính quyền kháng chiến trong các khu căn cứ du kích, góp phần chống càn quét, chống bắt lính bắt phu, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ sở ở vùng sau lưng địch. Nhiều cán bộ tư pháp hoạt động trong dịch hậu đã chịu đựng gian khổ, sát cánh với nhân dân đấu tranh diệt tề trừ gian, được nhân dân thương yêu, che chở và tin tưởng.

Từ ngày hòa bình lập lại 1954 các Tòa án nhân dân đã góp phần tích cực trong việc trấn áp bọn gián điệp như vụ Nguyễn Quang Hải, vụ Trần Minh Châu; bọn thổ phỉ, đặc vụ biệt kích; bọn phản động lợi dụng tôn giáo nhất là đạo Thiên chúa để hoạt động phá hoại, như vụ Quỳnh Yên, bọn cầm đầu các tổ chức phản cách mạng thực hiện âm mưu của Mỹ Diệm phá hoại công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và gây cơ sở chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Nhiều hành động phá hoại của chúng ta như dụ dỗ, cưỡng ép tổ chức người trốn đi với địch, phản tuyên truyền, chống phá các chính sách, gây tâm lý chiến tranh, phá hoại thành quả của cải cách ruộng đất, gây những vụ nổi loạn, bạo động, phá hoại trong xí nghiệp, gây phong trào đón vua, xeng vua ở miền núi... đã bị nghiêm trị. Các Tòa án nhân dân đã tích cực thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về việc tăng cường đấu tranh chống bọn phản cách mạng, tiến tới quét sạch dịch ở miền Bắc, để bảo vệ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Tòa án nhân dân cũng đã thiết thực phục vụ cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi, bằng cách mở phiên Tòa xét xử kịp thời và nghiêm trị một số địa chủ cường hào gian ác, thổ phỉ, đặc vụ, phản cách mạng ở miền núi...

Trong công tác trấn áp bọn phản cách mạng, các Tòa án nói chung đã đi đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, biết đánh đúng đối tượng, biết phân hoá kẻ địch, nghiêm trị đầu sỏ, khoan hồng đối với tay sai ít tội ác, tranh thủ giáo dục cải tạo số đông bị ép buộc, mê hoặc, lầm đường. Kết quả nói chung là việc trấn áp địch đã được nhân dân nhiệt liệt ủng hộ. Các phiên Tòa của Tòa án nhân dân đã có tác dụng giáo dục nhân dân rất lớn và có ảnh hưởng chính trị rất tốt đối với nhiệm vụ bảo vệ chế độ xứng đáng là công cụ sắc bén của chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính.

Đồng thời với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ dân chủ cộng hòa, các Tòa án nhân dân cũng đã góp phần cùng với các Tòa án nhân dân đặc biệt nghiêm trị bọn địa chủ cường hào gian ác và bọn địa chủ phản động trên mặt trận phản phong kiến. Từ ngày hòa bình lập lại, trong phạm vi trách nhiệm và khả năng của mình, Tòa án nhân dân cũng đã góp phần xứng đáng trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường: Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa tư bản, nhằm cải tạo kinh tế cũ và xã hội cũ, xây dựng kinh tế mới, xã hội mới, đời sống mới.

Các Tòa án nhân dân đã xử một số vụ vi phạm chính sách kinh tế tài chính như vụ Sầm Văn Bảo và Mạnh Hùng đầu cơ tích trữ thuốc tây; trừng trị những hành động chống lại việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh như vụ Núi Điện, vụ Chính Ký ở Hà Nội. Thái độ cương quyết của chính quyền và của các Tòa án nhân dân đã đem lại kết quả tốt là ổn định vật giá, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách kinh tế tài chính và được nhân dân lao động nhiệt liệt hoan nghênh. Qua các vụ án trên đây Tòa án nhân dân đã cùng với các cơ quan hữu quan góp phần giáo dục cải tạo giai cấp tư sản dân tộc, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng.

img

Up to Top