Nhiều năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tuyên Quang luôn khẳng định là lá cờ đầu trong Cụm thi đua số 2 về tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Hàng năm, bám sát chủ đề thi đua xuyên suốt của Tòa án nhân dân “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với chủ đề hành động Tòa án nhân dân “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”, TAND tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch công tác thi đua khen thưởng năm và tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do địa phương tổ chức.
TAND tỉnh Tuyên Quang nhận Cờ thi đua của Chính Phủ năm 2018
Hàng năm, TAND tỉnh Tuyên Quang đã luôn tổ chức phát động đăng ký thi đua, xây dựng chỉ tiêu thi đua cụ thể đối với các tập thể và cá nhân ngay từ đầu năm. Trong đó, lãnh đạo TAND tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để các tập thể, cán bộ công chức TAND hai cấp trong tỉnh hăng hái thi đua và đăng ký các giải pháp đột phá, các sáng kiến để xây dựng phương pháp làm việc khoa học, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến lề lối làm việc nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu thi đua, khắc phục những tồn tại, hạn chế của đơn vị. Kết thúc mỗi đợt thi đua đơn vị đều tiến hành sơ kết, tổng kết và kịp thời khen thưởng, biểu dương những nhân tố điển hình xuất sắc nhằm khích lệ, khơi gợi tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án.Trong hơn 5 năm (năm 2014 đến tháng 3/2019), TAND tỉnh Tuyên Quang đã giải quyết 1.126/1179 vụ, việc các loại. Đạt tỷ lệ 95,5%, vượt chỉ tiêu thi đua của Tòa án nhân dân tối cao đề ra và không có án quá hạn luật định. Cũng trong thời gian này, đơn vị đã tổ chức và tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua của Tòa án, của địa phương phát động và phát động 16 phong trào thi đua ngắn ngày theo đợt, chuyên đề, (mỗi năm tổ chức từ 2-3 phong trào thi đua) như: Phong trào “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Dân vận khéo”; phát động phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa, ngày làm việc 8 giờ chất lượng hiệu quả”; phong trào “Nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải quyết xét xử các loại án, tăng cường công tác hòa giải trong công tác giải quyết án Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hành chính ”... tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị thuộc Tòa án hai cấp trong tỉnh, đăng ký thi đua, đăng ký đề tài sáng kiến, tổ chức các cuộc thi chuyên đề, thi “Thư ký giỏi”, tổ chức phần thi thực hành “Thẩm phán giỏi”…
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Bích, Chánh án TAND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để công tác thi đua đi vào thực chất, đem lại hiệu quả tích cực đúng với chủ đề, phương châm mà TAND tối cao đề ra, TAND tỉnh luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Luật thi đua khen thưởng và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, tập trung xây dựng các chỉ tiêu, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, án tham nhũng; kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội, bỏ lọt tội phạm; phấn đấu giảm tỷ lệ án bị hủy, bị sửa đến mức thấp nhất. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh, đảm bảo về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Trong 5 năm (2014-2018), đơn vị đã thực hiện tốt 14 giải pháp của Tòa án nhân dân tối cao trong đó tập trung vào 04 giải pháp đột phá để phù hợp điều kiện tình hình chính trị, an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh đó là:
Thứ nhất, tập trung nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, giảm tỷ lệ án bị sửa, hủy, chỉ đạo quyết liệt công tác giải quyết các vụ án tạm đình chỉ đối với Tòa án hai cấp trong tỉnh. Trước thực trạng, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ chờ kết quả của các cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng tới tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, lãnh đạo TAND tỉnh đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang, đồng thời chủ động làm việc với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang với Tòa án nhân dân tỉnh trong giải quyết, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền. Số lượng các vụ án tạm đình chỉ của Tòa án nhân dân hai cấp giảm năm 2014 từ 111 vụ đến nay còn 41 vụ. Từ đó, hạn chế mức đến mức thấp nhất số vụ án tạm đình chỉ chờ kết quả của các cơ quan liên quan, giúp Thẩm phán giải quyết, xét xử các loại án kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, TAND tỉnh Tuyên Quang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm công khai các hoạt động của Tòa án. Thành lập Tổ hành chính tư pháp trực thuộc Văn phòng, tập trung vào việc đổi mới, cải cách các quy trình, thủ tục hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau phiên tòa xét xử, đảm bảo tách chức năng hành chính tư pháp khỏi hoạt động tố tụng, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong Tòa án, xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, vì nhân dân, bảo vệ công lý.
Thứ ba, công khai hoạt động xét xử của Tòa án hai cấp và nâng cao chất lượng các phiên tòa cũng như kỹ năng xét xử của Thẩm phán, các Hội thẩm và Thư ký phiên tòa. Đơn vị đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát tỉnh xây dựng đề án, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống truyền hình trực tuyến các phiên tòa của Tòa án hai cấp trong tỉnh đến các điểm cầu quan sát, theo dõi tại Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Phòng Chánh án TAND tỉnh và TAND cấp huyện; Phòng Thông tin báo chí của tỉnh; Phòng Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018 đến nay. Đây là kết quả, sự nỗ lực của lãnh đạo Tòa án tỉnh trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính đối với các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án; tạo điều kiện để mọi người dân, các cơ quan, tổ chức xã hội giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với TAND cấp huyện, thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát toàn diện trên tất cả các mặt công tác đối với Tòa án hai cấp trong tỉnh nhằm phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm về những hạn chế, thiếu sót trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án. Mục đích thông qua công tác kiểm tra nhằm phát hiện những điển hình tiêu biểu, toàn diện hoặc trên từng lĩnh vực công tác để nêu gương học tập và tôn vinh trong Tòa án hai cấp nhằm tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay để nhân rộng. Đồng thời nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế, thiếu sót, hoặc sai phạm của cá nhân, đơn vị để có biện pháp tháo gỡ, khắc phục hoặc xử lý kịp thời những sai phạm.
Ngoài ra, một số giải pháp, sáng kiến của cán bộ trong đơn vị đã được Hội đồng Khoa học - Sáng kiến TAND tỉnh công nhận và triển khai áp dụng hiệu quả tại Tòa án hai cấp trong tỉnh như: “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hành chính tư pháp”; “ Nâng cao kỹ năng cấp, tống đạt các loại văn bản tố tụng của Thư ký”; “Nâng cao chất lượng, đổi mới phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý Tòa án hai cấp trong tỉnh” ; “ Nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại án trong Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Tuyên Quang, Kỹ năng điều khiển phiên tòa xét xử vụ án hình sự” …
Trong những năm qua, TAND tỉnh Tuyên Quang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, chi bộ trong sạch vững mạnh tiên tiến; cơ quan đơn vị văn hóa; công đoàn, đoàn thể vững mạnh được cấp ủy địa phương tặng nhiều Bằng khen. Năm 2012 đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng Nhì ; được Chính phủ tặng Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2017, 2018) ; được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua (2018)…Với những thành tích đã đạt được trong thời gian qua, TAND tỉnh Tuyên Quang trình Hội đồng Thi đua Khen thưởng TAND đề nghị Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
Thái Trung