QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TAND TỈNH VĨNH LONG
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với đất nước - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội. Chế độ thực dân phong kiến vĩnh viễn bị xóa bỏ. Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, đảng và nhà nước ta đã khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước, trong đó có hệ thống Tòa án nhằm trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân mới được thành lập. Ngày 13/9/1945, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 33/SL thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa án Việt Nam. Theo quy định của sắc lệnh này, trên toàn lãnh thổ Việt nam đã thiết lập các Tòa án quân sự với nhiệm vụ “Xét xử tất cả các người nào phạm vào một việc gì có phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”.
Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn lịch sử, cùng với sự hoàn thiện của bộ máy nhà nước trong đó có ngành Tòa án nhân dân. Ngày 24/01/1946 Chủ tịch chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành sắc lệnh số 13 về tổ chức các Tòa án và các ngạch thẩm phán. Đây là sắc lệnh đầu tiên quy định đầy đủ về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp, việc xử phạt vi cảnh ở cơ sở cũng như tổ chức các Tòa án và quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của các ngạch thẩm phán. Theo sắc lệnh này thì hệ thống Tòa án Việt nam gồm: Tòa Thượng thẩm Bắc kỳ, Tòa Thượng thẩm Trung kỳ và Tòa Thượng thẩm Nam kỳ. Ở các địa phương có Tòa án đệ nhị cấp (cấp tỉnh), Tòa án sơ cấp (cấp huyện) và Ban tư pháp xã. Sau gần 05 năm kể từ ngày ban hành và thực hiện sắc lệnh, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò và hiệu lực hoạt động của các Tòa án; ngày 22/5/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 85-SL về cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng. Theo đó “Tòa án sơ cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Tòa phúc thẩm; phụ phẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân”. Trong thời gian từ năm 1946 đến năm 1954, để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn này, hệ thống các Tòa án còn bao gồm các Tòa án binh, được thành lập theo sắc lệnh số 163 ngày 23/6/1946 và Tòa án nhân dân đặc biệt ở những nơi cải cách ruộng đất được thành lập theo sắc lệnh số 150 ngày 12/4/1953.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1959, ngày 14/7/1960 Quốc hội đã thông qua luật tổ chức Tòa án nhân dân, quy định hệ thống các Tòa án được tổ chức từ Trung ương đến địa phương bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự. Việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm theo phương thức song trùng lãnh đạo. Tòa án nhân dân tối cao quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự về đường lối xét xử, áp dụng thống nhất pháp luật và giám đốc công tác xét xử của các Tòa án. Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm sắp xếp nhân sự và cấp kinh phí hoạt động cho các Tòa án nhân dân địa phương tổ chức và hoạt động của các Tòa án đã bảo đảm có sự tham gia của nhân dân, thể hiện thông qua chế độ bầu cử thẩm phán và thực hiện nguyên tắc xét xử của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần xét xử.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (năm 1975), các Tòa án trong cả nước được tổ chức và hoạt động theo luật tổ chức Tòa án năm 1960. Từ đó đến nay, luật tổ chức Tòa án nhân dân đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1981, 1993 và 2002 nhưng nhìn chung về tổ chức của các Tòa án không có gì biến đổi lớn. Theo quy định của luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Tòa án nhân dân tối cao thống nhất thực hiện chức năng quản lý Tòa án nhân dân địa phương về luật tổ chức.
Qua các thời kỳ cách mạng ngành Tòa án nhân dân không ngừng lớn mạnh về mọi mặt góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
* Đối với ngành Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.
Tỉnh Vĩnh Long là một tỉnh nằm trong vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm của cả nước có thành tích vẽ vang trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, có truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975.Trong thời kỳ chiến tranh còn đang diễn ra ác liệt. Tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn đó tuy chưa có Tòa án nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy đã mở nhiều phiên tòa xét xử trừng trị thích đáng bọn tội phạm, bọn tình báo phản động góp phần tích cực vào công cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, dưới đây là những vụ án điển hình :
1) Thời kỳ chống Pháp (1945 – 1954) :
- Năm 1952 thực dân Pháp bố trí cho tên Ấn và tên Thống là gián điệp phòng nhì của Pháp giả đi làm mướn vào vùng giải phóng để tìm hiểu cơ quan bộ đội ta đóng quân và cung cấp tin tức cho địch đánh phá tại xã Mỹ Thành, huyện Cái Ngang, tỉnh Vĩnh Trà, chúng đã bị trinh sát ta bắt được. Ta đã mở phiên tòa xét xử tại ấp Mỹ Thành (Cái Ngang - Vĩnh Trà) do ông Bùi Hai là Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện Cái Ngang làm Chánh án đã tuyên tử hình 02 tên Ấn và Thống.
2) Trong thời kỳ chống Mỹ (1955 - 1975) :
Luật 10.59 của Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém khắp Miền Nam gây ra nhiều tội ác hòng dập tắt phong trào cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam về trừ gian, diệt ác, giữ vững vùng kháng chiến. Năm 1961 Tỉnh ủy Vĩnh Long thành lập tổ chức an ninh tỉnh. Vừa thực hiện nhiệm vụ an ninh, vừa giữ vai trò xét xử. Trong thời gian từ 1961 – 1965 tổ chức an ninh tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều phiên tòa do ông Đặng Văn Nay làm chủ tọa đã xét xử nhiều vụ án, đặc biệt trong đó có vụ xử 12 tên Thổ Phỉ hoạt động chống phá cách mạng; trong đó tử hình 04 tên, khoan hồng 08 tên,…
Tháng 01/1973 Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Vĩnh Long được thành lập nằm trong hệ thống bộ máy của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tỉnh ủy đã phân công ông Đặng Văn Nay làm Chánh án mở nhiều phiên tòa để xét xử bọn tình báo, ngụy quân, ngụy quyền. Như mở phiên tòa ở huyện Trà Ôn để xét xử tên Phúc - nguyên là Trung úy tình báo tiểu khu Vĩnh Long; mở phiên tòa ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình để xét xử Thích Phước Dũng là tình báo đội lốt thầy tu ở chùa Phước Hậu; mở phiên tòa tại ấp Bình Quí, xã Ngãi Tứ để xét xử tên Xền và Thị Dung (mẹ tên Xền) là tình báo chi khu Ba Càng đã nhận lựu đạn của tình báo Ba Càng đem vào vùng giải phóng và ném lựu đạn vào gia đình 01 đ/c là Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long làm 01 người chết và 05 người bị thương, phiên tòa đã tử hình tên Xền và phạt Thị Dung 05 năm tù …
3) Thời kỳ 1975 – 1985 :
Sau ngày Miền Nam giải phóng, một số tên ác ôn có nhiều tội ác với Cách mạng, nhiều nợ máu với nhân dân, đã bị bắt giữ ngay những ngày mới giải phóng và Tòa án quân sự trong thời kỳ quân quản đã xử 65 phiên toà 161 vụ 241 bị cáo với 64 án tử hình.
Đầu năm 1976, 02 tỉnh Vĩnh Long – Trà Vinh được sáp nhập thành tỉnh Cửu Long với số biên chế hơn 30 cán bộ, nhân viên; từng bước đi vào hoạt động trong điều kiện, trang thiết bị thiếu thốn, trụ sở Tòa án đang xuống cấp nghiêm trọng do tiếp quản từ trụ sở Tòa án của ngụy quyền. Với đội ngũ thẩm phán lúc bấy giờ chưa được đào tạo qua trường lớp, phần lớn là cán bộ từ trong kháng chiến và từ ngành khác chuyển đến, kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ rất hạn chế. Ngoài ra tình hình chính trị, xã hội vô cùng phức tạp như địa bàn rộng, dân số tăng, tôn giáo, dân tộc có nhiều. Bên cạnh số ngụy quân ra trình diện, cải tạo, còn lại mạng lưới gián điệp, mật vụ, tình báo các loại ta chưa truy quét hết, vũ khí, chất nổ còn rãi rác với sự tồn tại của giai cấp tư sản, tàn dư độc hại của chế độ cũ chưa được cải tạo. Do đó, phạm pháp còn diễn ra rất phức tạp và rất nghiêm trọng.
Nạn giết người, cướp của, hiếp dâm, trộm cắp và các tại nạn khác đe dọa nghiêm trọng đến trật tự xã hội, chỉ trong năm 1976 có đến 124 vụ phạm pháp hình sự, có 88 trọng án và 128 vụ tai nạn giao thông làm chết và bị thương 391 người. Tình hình trốn ra nước ngoài đã xảy ra liên tục, tổng cộng có 3.177 người, nhiều nhất là năm 1981: 1.556 người.
Trước tình hình đó, trong lúc hệ thống tư pháp chưa tổ chức hoàn chỉnh, tổ chức Tòa án nhân dân mới chính thức hình thành ở cấp tỉnh sau sắc lệnh 01 ban hành. Với đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, vừa công tác vừa củng cố bổ sung cho tỉnh, xây dựng các Tòa án huyện – thị. Tuy nhiên với sự phấn đấu nỗ lực hết mình từng cán bộ nhân viên của ngành, Tòa án tỉnh Cửu Long đã không ngừng tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức pháp luật, kỷ năng xét xử, bản lĩnh chính trị để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước tin tưởng giao phó. Trên cơ sở xác định đúng phương hướng nhiệm vụ năm 1976 tại cuộc hội nghị toàn ngành phía Nam tháng 04/1976 trong hoàn cảnh tổ chức chưa ổn định. Tòa án nhân dân tỉnh Cửu Long đã cố gắng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các tội phạm gióp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội ở vùng mới giải phóng, đồng thời tạo điều kiện cho công tác trấn áp phản cách mạng được tiến hành thuận lợi.
* Về an ninh chính trị :
Tòa án đã đưa ra xét xử lưu động, 05 vụ : 50 bị cáo với 8 án tử hình, 9 chung thân tại các địa điểm như : thị xã Trà Vinh, thị trấn Cầu Quang (huyện Tiểu Cần), xã Tân Mỹ (Trà Ôn), xã Phú Quới (Long Hồ). Trong đó nghiêm trọng nhất có vụ bạo loạn tháng 11/1976 ở Trà Vinh.
* Về trị an xã hội và an ninh kinh tế :
Từ năm 1976 đến năm 1984 toàn tỉnh đã thụ lý án hình sự tổng cộng 1.517 vụ đã giải quyết 1.307 vụ đạt tỷ lệ 86%, trong đó: điển hình vụ án cướp tổng kho dược phẩm Cửu Long đêm mùng 3 tết 1981 do Đoàn Văn Út cầm đầu, vụ án này đã bị Tòa án trừng trị thích đáng với mức án cao nhất là tử hình.
* Tranh chấp dân sự :
Từ 1975 - 1977 tình hình tranh chấp ruộng đất là vấn đề thời sự, có nơi xảy ra gay gắt với nội dung phức tạp.
Tòa án đã giải quyết chủ yếu là hòa giải để ổn định tình hình trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc nguyên canh là chính, nhằm bảo đảm cho mọi gia đình có đất để sản xuất sinh sống.
Ngoài tranh chấp về ruộng đất, nhiều loại tranh chấp dân sự khác đã được đưa đến Tòa án nhiều nhất là đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp quyền sở hữu tài sản ..v.v.
Tóm lại : Từ 1976 đến 1984 toàn tỉnh đã thụ lý 2.114 vụ dân sự đã giải quyết 1.207 vụ đạt tỷ lệ 54%.
* Về hôn nhân gia đình :
Thời điểm này toàn tỉnh thụ lý 2.312 vụ, đã giải quyết 1.439 vụ trong đó hòa giải thành 119 vụ.
* Công tác thi hành án :
Trong 10 năm (1975 đến 1985) Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xét giảm án tù cho 3.442 phạm nhân; trong đó: giảm có thời hạn: 2.173 người, giảm trước hạn: 1.269 người.
4) Thời kỳ đổi mới (1986 – 2002) :
Bước sang thời kỳ đổi mới cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội ở tỉnh có nhiều mặt tích cực và cũng có những tiêu cực, những tiêu cực trong đời sống, những hành vi vi phạm pháp luật, những tranh chấp trên lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động ngày một gia tăng đa dạng phức tạp. Ngành Tòa án nói chung và đặc biệt là đội ngũ thẩm phán phải đảm đương một khối lượng công việc rất lớn. Các Tòa án nhân dân trong tỉnh thông qua hoạt động xét xử đã góp phần giáo dục công dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật; tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; đồng thời giải quyết kịp thời các tranh chấp xảy ra trong nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Hiệu quả hoạt động của Tòa án trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc củng cố và tăng cường quyền lực của Nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở địa phương thể hiện qua kết quả sau đây :
a) Kết quả thụ lý và giải quyết án hình sự :
* Về trật tự trị an xã hội :
Tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm mặc dù có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên tình trạng phạm tội xảy ra vẫn còn diễn biến phức tạp.
Toàn tỉnh thụ lý 4.772 vụ giải quyết 4.426 vụ, đạt tỷ lệ 92,74%.
* Về an ninh kinh tế :
Để thực hiện Nghị quyết số 14/TW của Bộ chính trị, ngày 16/7/1997, nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về tăng cường đấu tranh chống tham nhũng … Trong thời gian qua các Tòa án trong tỉnh đưa ra xét xử kịp thời các án tham nhũng kiến nghị các cơ quan. Khắc phục kịp thời những sơ hở thông qua kết quả của phiên tòa xét xử được đưa tin trên đài, đăng trên báo nhằm thông báo kịp thời kết quả xét xử và đó cũng là một trong những biện pháp góp phần ngăn chặn tội phạm phát sinh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, vì vậy cho đến cuối năm 1998 đầu năm 2001 tình hình phạm tội về tham nhũng, hối lộ có giảm hơn so với những năm trước. (Năm 1996 thụ lý: 24 vụ, năm 1997 thụ lý 17 vụ, năm 1998 thụ lý 06 vụ, đến năm 2001 thụ lý 02 vụ).
b) Kết quả thụ lý và giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình :
* Tranh chấp dân sự :
Toàn tỉnh thụ lý 21.386 vụ kiện dân sự các loại, đã giải quyết 17.728 vụ, đạt tỷ lệ 83% trong số án kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì các loại kiện về hợp đồng vay nợ, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, nhà ở, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chiếm tỷ lệ cao.
* Về chất lượng giải quyết án :
Qua số liệu thống kê đã cho thấy hầu hết số án kiện cấp sơ thẩm giải quyết đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự, do đó số án kháng cáo trong các năm chỉ chiếm tỷ lệ bình quân 13,28%.
* Về Hôn nhân và gia đình :
Toàn tỉnh thụ lý 9.562 vụ đã giải quyết 7.645 vụ, đạt tỷ lệ 80%; trong đó hoàn giải thành và công nhận thuận tình ly hôn 5.056 vụ, xử cho ly hôn 2.589 vụ.
c) Kết quả giải quyết án Kinh tế - Lao động - Hành chính :
* Về các vụ án Kinh tế :
Từ khi được giao nhiệm vụ xét xử án kinh tế các Tòa án trong tỉnh đã thụ lý 39 vụ, giải quyết 35 vụ đạt tỷ lệ 89,74% .
Các vụ án kinh tế thụ lý nhiều nhất là các tranh chấp hợp đồng tín dụng Ngân hàng (28 vụ) hợp đồng dịch vụ (11 vụ). Các Tòa giải quyết chủ yếu là công tác hòa giải bằng biện pháp giải thích cho các bên đương sự nhận thức rõ về quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình đồng thời phải biết tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nên số lượng hòa giải thành chiếm tỷ lệ rất cao (70%) và mang tính khả thi rất lớn do các bên tự nguyện thi hành.
* Về giải quyết tranh chấp Lao động :
Các Tòa án trong tỉnh thụ lý 16 vụ đã giải quyết 13 vụ chủ yếu là tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
* Về giải quyết các vụ án hành chính :
Án hành chính thụ lý 134 vụ, đã giải quyết 90 vụ. Tòa án tỉnh giải quyết 47 vụ, huyện – thị 87 vụ.
d) Công tác thi hành án phạt tù :
Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước trong các ngày lễ. Tòa án đã phối hợp cùng Viện kiểm sát và Công an thực hiện tốt công tác xét giảm án tù cho số phạm nhân đã lao động cải tạo tốt là 2.324 người, trong đó giảm trước hạn tù là 786 người, giảm có thời hạn là 1.538 người.Tham gia xét đặc xá cho 112 người.
5) Thời kỳ 2002 đến 6 tháng đầu năm 2011:
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xét xử giai đoạn mới. Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều cố gắng bám sát và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội do Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VII và VIII đề ra.
Toàn ngành Tòa án tỉnh đã xét xử và giải quyết 32565 vụ việc; nhìn chung số vụ việc luôn tăng theo hàng năm riêng 6 tháng đầu năm 2010 tăng hơn 10%.
a/ Kết quả thụ lý giải quyết án hình sự :
Toàn tỉnh thụ lý: 5205 vụ, giải quyết 5203 vụ, đạt tỷ lệ 99,96%. Có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc lựa chọn án điểm, án trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm và hầu hết các án hình sự đều đưa ra xét xử kịp thời ngay trong hạn luật định. Trong xét xử đảm bảo tính công minh đúng pháp luật với hình phạt nghiêm khắc, có tác dụng tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương được dư luận đồng tình. Đặc biệt Tòa án đã tuyên 02 án tử hình đối với các phần tử côn đồ, băng nhóm giết người dã man.
Đã đưa ra xét xử lưu động 299 vụ, có hơn 100 ngàn người dân đến dự. Qua đó góp phần rất lớn vào công cuộc đấu tranh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương.
b/ Kết quả thụ lý, giải quyết án dân sự, hôn nhân gia đình :
Thụ lý 27118 vụ việc, xét xử và giải quyết 26807 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,85%.
. Trong số án kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì các loại án hợp đồng vay nợ, tranh chấp đất đai, nhà ở chiếm tỷ lệ hơn 70%.
. Án hôn nhân gia đình phát sinh nhiều là các loại mâu thuẫn kinh tế, gia đình, đặc biệt là các án có yếu tố nước ngoài phát sinh ngày càng nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước.
c/ Kết quả thụ lý, giải quyết án hành chính, kinh tế, lao động :
Thụ lý : 570 vụ, giải quyết và xét xử 555 vụ, đạt tỷ lệ 97,36%.
* Về chất lượng giải quyết án :
Ngày càng được nâng cao. Tổng số án bị hủy do Tòa án cấp trên xét xử lại theo trình tự phúc thẩm đối với những bản án bị kháng cáo, kháng nghị hơn 7 năm qua là : 366 vụ, chiếm tỷ lệ 1,12% thấp hơn quy định của ngành (1,15%).
d/ Công tác thi hành án phạt tù :
Được thực hiện nghiêm từ khâu lập hồ sơ, theo dõi thời hạn ra quyết định đến việc bảo đảm các điều kiện xem xét cho tạm đình chỉ, hoãn thi hành án phạt tù. Xét giảm án, tha tù đều tiến hành chặt chẽ đúng quy định pháp luật.
Đã ban hành 5097 quyết định thi hành án phạt tù đối với 5079 người bị kết án phạt tù đã có hiệu lực pháp luật, đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra nhân các ngày lễ lớn kết hợp với công an, Viện kiểm sát xem xét lập hồ sơ đưa ra hội đồng xét giảm án tha tù 1057 lượt phạm nhân. Xét, ra quyết định hoãn và tạm đình chỉ thi hành án phạt tù 10 lượt phạm nhân. Tham gia Hội đồng đặc xá của tỉnh đề nghị đặc xá cho 167 phạm nhân. Miễn hình phạt theo nghị quyết 33 là 33 trường hợp. Thi hành án tử hình 01 trường hợp.
đ/ Công tác giải quyết các khiếu kiện tư pháp :
Luôn được quan tâm và giải quyết kịp thời đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, ngăn ngừa các điểm nóng phát sinh do việc giải quyết không đúng luật của Tòa án. Qua các năm tiếp 4369 lượt công dân. Nhận, giải quyết 2109 đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền, đáp ứng được những yêu cầu của người dân. Số còn lại chuyển các cơ quan hữu quan giải quyết theo thẩm quyền
Về tổ chức: Qua các thời kỳ, các đồng chí đã được Đảng và nhân dân giao trọng trách làm chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long, là các đồng chí : Nguyễn Minh Triều, Lâm Văn Hậu, Hà Thế Ngoan, Đỗ Quyết Thắng, Võ Công Lý, Nguyễn Bình Ty, Nguyễn Hòa Bình, Lý Khánh Hồng… đã lãnh đạo ngành Tòa án nhân dân không ngừng trưởng thành lớn mạnh, vững về chất, đảm bảo về lượng. So với biên chế ban đầu thiếu và yếu, đến nay đã có 178 cán bộ công chức, trong đó thẩm phán 52, thư ký và cán bộ khác 126, tất cả cán bộ có chức danh tư pháp đều có trình độ đại học chuyên môn, 02 có bằng cao học. về chính trị có 31 đồng chí tốt nghiệp cử nhân và cao cấp chính trị, 64 tốt nghiệp lớp trung cấp chính trị. Từ năm 2005 đến 2011 tất cả các thẩm phán trẻ đều được đưa đi đào tạo lớp nghiệp vụ xét xử. Lãnh đạo Tòa án tỉnh rất chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ công chức. Song song với việc tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Từ đó đại đa số cán bộ công chức ngành Tòa án tỉnh đều có bản lĩnh chính trị, trong sạch, liêm khiết, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong các năm qua bằng nhiều biện pháp triệt để như kiểm tra công tác điều hành, phân công giải quyết án của lãnh đạo các tòa chuyên trách, Tòa án cấp huyện, yêu cầu từng thẩm phán cam kết thời gian giải quyết án, kiên quyết hạn chế thấp nhất án bị quá hạn và án tồn. Đến nay hàng năm các tòa án chỉ tồn ở mức 02 số thấp. Ký kết kế hoạch liên tịch với Sở tài nguyên và môi trường trong việc tăng cường khảo sát, đo đạc, định giá. Từ đó đã khắc phục được án tồn, án quá hạn
. Công tác xét hỏi tranh tụng tại phiên tòa từng bước đi vào nề nếp. Sau khi tổ chức những phiên tòa mẫu, Viện kiểm sát, đương sự, luật sư tranh luận công khai , thể hiện khách quan, dân chủ. Chính điều này làm cho việc phán quyết của Tòa án thêm phần chính xác, án xử đúng người, đúng tội không oan sai được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ.
. Thực hiện theo đúng chủ trương và lộ trình, Tòa án tỉnh đã hoàn thành báo cáo về Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thành lập 04 Tòa khu vực.
. Đẩy mạnh việc cải cách hành chính, Tòa án tỉnh đã thành lập tổ nghiệp vụ. Với nhiệm vụ tập trung đầu mối tiếp nhận đơn khiếu nại và hồ sơ vụ án; do chánh án trực tiếp lãnh đạo và điều phối phân án. Từ đó việc giải quyết đơn thư khiếu nại cùng việc giải quyết án nhanh hơn, hiệu quả hơn tránh được tình trạng tồn đọng kéo dài và hạn chế đi lại nhiều cho công dân. Đặc biệt được Tòa án tối cao chọn làm điểm để chỉ đạo cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án mà dự án này do Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Canada phối hợp thực hiện.
+ Về cơ sở vật chất :
Trước đây hầu hết các Tòa án từ tỉnh đến huyện đều lạc hậu không đủ hội trường xét xử, phòng làm việc. Lãnh đạo Tòa án tỉnh đã chủ động lên kế hoạch, xin kinh phí và được Tòa án nhân dân tối cao chấp thuận cấp tiền xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp trụ sở Tòa án tỉnh và 08 Tòa án các huyện – thành phố tương đối hoàn thiện. Đã khởi công xây dựng trụ sở Tòa án tỉnh gần 01 năm và đã khánh thành đưa vào sử dụng trụ sở làm việc Tòa án nhân dân huyện Bình Tân.
Công tác trang thiết bị đưa hệ thống tin học vào phục vụ cho công tác ngành khá đầy đủ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện tốt cho hoạt động xét xử.Cũng từ năm 2005 đến 2009 Tòa án tỉnh đã đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét đề nghị Ban thường vụ Quốc hội tăng thẩm quyền xét xử mới cho 08/08 Tòa án cấp huyện. Hầu hết các đơn vị được tăng thẩm quyền mới đều thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đánh giá về công tác của ngành Tòa án nhân dân, các cơ quan có thẩm quyền, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều có chung nhận định là ngành Tòa án đã có rất nhiều cố gắng, tận tâm, tận tụy và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, trung thành với tổ quốc, thực hiện nghiêm túc đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngành Tòa án nhân dân xứng đáng là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm nghiêm trị bọn phản cách mạng. trừng trị nghiêm minh các tội phạm khác, kết hợp tốt trừng trị với giáo dục, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.
Sự đánh giá đúng mức của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Tòa án là niềm tự hào, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân. Ghi nhận những thành tích mà ngành Tòa án nhân dân đã đạt được, nhân dịp 40 năm ngày truyền thống của ngành Tòa án nhân dân Việt Nam, Hội đồng Nhà nước đã tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành Tòa án nhân dân; Ngoài ra còn có nhiều đơn vị, cá nhân của ngành đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua cao quí. Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long được Bộ tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và UBND tỉnh Vĩnh Long tặng nhiều Bằng khen, đặc biệt 02 năm liền năm 2007, 2008 được Tòa án nhân dân tối cao, UBND tỉnh Vĩnh Long tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc,năm 2008 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng III cho Tòa án tỉnh và tòa Hình sự; Năm 2011 được TAND tối cao tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc, nhiều cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quí như Huân chương lao động, Bằng khen Thủ tướng chính phủ, chiến sĩ thi đua ngành, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Riêng phòng Tổ chức cán bộ, phòng Giám đốc kiểm tra, Văn phòng đang đề nghị Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen vào năm 2011.
Để đạt được các kết quả đáng khích lệ nêu trên là do ngành Tòa án nhân dân luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ các các ban, ngành hữu quan ở Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Mặt khác, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án tỉnh, cán bộ, công chức ngành Tòa án tỉnh đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, nỗ lực phấn đấu phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhìn lại quá trình phát triển tổ chức và hoạt động của ngành Tòa án nhân dân trong 66 năm qua, chúng ta có thể tự hào nhận thấy rằng: Trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam, ngành Tòa án đã bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngành Tòa án nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tòa án nhân dân vẫn còn một số khuyết điểm, thiếu sót cần khắc phục. Trong công tác xét xử vẫn còn để một số vụ án quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật; một số thẩm phán chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm nên xét xử còn bị hủy, một số cán bộ, công chức do không tích cực rèn luyện tư cách, đạo đức, phẩm chất nên đã sa ngã trước sự cám dỗ của tiền tài, vật chất hoặc lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng không tốt đến uy tín của ngành Tòa án nhân dân. Đội ngũ cán bộ Tòa án hiện nay chưa đồng đều về trình độ nghiệp vụ; biên chế Thẩm phán và cán bộ ở một số Tòa án chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới hiện nay; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc của ngành Tòa án nhân dân tuy đã được Nhà nước quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chúng ta phải thẳng thắn nhận rõ những khuyết điểm, những mặt yếu kém để khắc phục và kiên quyết đấu tranh để loại bỏ những tiêu cực trong ngành Tòa án nhân dân, phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức của ngành, đó làm một nhiệm vụ quan trọng và phải làm thường xuyên tại tất cả Tòa án các cấp.
Ngành Tòa án nhân dân tổ chức lễ kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống ngành trong thời điểm mà công cuộc cải cách tư pháp đang đi vào chiều sâu. Tiếp theo Nghị quyết 08 ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, ngày 02/6/2005, Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết số 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó đã xác định vị trí của Tòa án là trung tâm trong hệ thống tư pháp, hoạt động của các Tòa án là hoạt động trọng tâm của hoạt động tư pháp. Như vậy, vị trí, vai trò của Tòa án rất quan trọng trong hệ thống các cơ quan tư pháp của nước ta. Điều này cũng thể hiện Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho ngành Tòa án nhân dân trọng trách lớn trong công cuộc cải cách tư pháp, đồng thời cũng đặt ra cho ngành Tòa án nhân dân phải đổi mới toàn diện, nỗ lực cao hơn nữa để xứng đáng với vị trí, vai trò của ngành trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các Chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ, Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan tới công tác của ngành Tòa án nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh, nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án; áp dụng các biện pháp để khắc phục có hiệu quả việc tồn đọng án. Thực hiện theo phương phương châm “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; kiên quyết khắc phục việc xét xử oan, đồng thời không bỏ lọt tội phạm; hạn chế tới mức thấp nhất các sai sót; tập trung xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các loại vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, trọng điểm. Tập trung giải quyết trong hạn luật định và đảm bảo chất lượng xét xử đối với các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Triển khai sâu rộng việc đổi mới thủ tục xét xử và tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở qui định của pháp luật tố tụng và tinh thần cải cách tư pháp. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám đốc việc xét xử đối với các Tòa án cấp huyện để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót về nghiệp vụ hoặc kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng có sai lầm nghiêm trọng. Xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm, quyết tâm xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh.Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếp tục củng cố kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, công tác công nghệ thông tin, công tác thi đua khen thưởng; Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ, bổ nhiệm thẩm phán tăng cường cho tòa huyện còn thiếu. Đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ công chức để tạo nguồn. Tổ chức học tập chỉ thị nghị quyết của Đảng đến cán bộ - công chức trong đơn vị. Đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân trước hết là người đứng đầu cơ quan đơn vị và thẩm phán, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, trau dồi đạo đức để hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao. Tăng cường hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất cao trong thực thi nhiệm vụ.Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy và tổ chức cán bộ, từng bước tuyển chọn đủ cán bộ, thẩm phán, lãnh đạo Tòa án các cấp, tăng cường công tác qui hoạch, đào tạo nguồn thẩm phán.
Với lòng tin tưởng sâu sắt vào sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của TAND tối cao, Tỉnh ủy, sự quan tâm của Hội đồng nhân dân và UBND, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành; với truyền thống 66 năm qua ngành, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long quyết tâm tạo ra không khí mới một động lực mới vượt qua mọi khó khăn, thẳng thắn nhận rõ những khuyết điểm, thiếu sót để có biện pháp khắc phục kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng và nhân dân giao phó./.